Hàng loạt giáo viên TP HCM xin ra khỏi ngành

Thứ Sáu, 27/06/2008, 14:25

Đỗ đợt tuyển viên chức của ngành giáo dục và được dạy tại quận trung tâm ngay khi vừa ra trường, nhưng Hà Linh, giáo viên tiếng Anh THPT ngậm ngùi xin thôi việc vì " lương quá bèo bọt", chỉ sau một năm đứng lớp.

Linh cho biết, bậc lương một giáo viên tốt nghiệp ĐH mới tốt nghiệp như cô là 2,34, cộng với 30% phụ cấp ưu đãi của ngành, tổng cộng được chừng 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Linh, tuy cùng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Anh ngữ, nhưng lương của bạn bè cùng lớp làm cho công ty nước ngoài có người tới cả nghìn USD một tháng, trong khi cô tốt nghiệp loại giỏi mà lương chỉ đủ trả phí điện thoại và phụ tiền ăn với bố mẹ. Cô giáo trẻ này cho biết đã nộp đơn xin thôi việc ở THPT đang dạy, và mới thi đỗ chức danh PR cho một công ty mỹ phẩm nước ngoài tại TP HCM.

"Nghề giáo thật đẹp và trong sáng, phải bỏ nghề dứt áo ra đi, em cũng tiếc lắm, nhưng với mức lương đó, em chẳng dành dụm được gì. Nếu cứ chấp nhận, rồi đến lúc em cũng phải "chân trong, chân ngoài" như các đồng nghiệp đi trước để cải thiện thu nhập, như thế thà làm việc khác còn hơn", Linh ngậm ngùi.

Thu Nga, giáo viên mầm non một trường công lập có tiếng của thành phố cũng mới xin thôi việc khi năm học 2007-2008 vừa kết thúc. Nga tâm sự làm giáo viên mầm non đã 4 năm nay, thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng.

"Mức lương vậy, em rất khó xoay xở, vì ông xã cũng làm nhà nước, cũng "lương ba cọc ba đồng". Dù quyến luyến học sinh lắm, em vẫn quyết định bỏ nghề, về kinh doanh cùng ba mẹ, cải thiện kinh tế gia đình cho ông xã yên tâm làm nghiên cứu", Nga chia sẻ.

Trường hợp giáo viên trẻ tại TP HCM xin nghỉ việc giữa chừng, vì nhiều lý do cá nhân như Linh, Nga không cá biệt. Đầu niên học mới nào, ngành giáo dục thành phố cũng đau đầu với việc thiếu hụt nhân sự, do lượng giáo viên bỏ nghề năm sau cao hơn năm trước.

Năm học 2007-2008, chỉ riêng hệ mầm non, thành phố đã có hơn 300 giáo viên nghỉ việc. Theo tính toán của phòng giáo dục mầm non, nếu cộng số người bỏ việc này với số giáo viên tới tuổi nghỉ hưu, thành phố cần thêm khoảng 3.000 giáo viên mầm non mỗi năm mới để đáp ứng đủ nhu cầu.

"Nguyên nhân khiến giáo viên mầm non bỏ việc chủ yếu là do mức lương quá thấp. Lương giáo viên mầm non chỉ khoảng 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi công việc cực nhọc, trách nhiệm nặng nề, nên dễ hiểu vì sao nhiều người bỏ nghề", Trưởng phòng giáo dục mầm non Nguyễn Thị Kim Thanh nhận định.

Theo bà Thanh, sở dĩ mức lương của giáo viên mầm non thấp là do hệ lụy của việc cấp học này thu học phí thấp, hiện chỉ dao động 200.000-500.000 đồng một trẻ mỗi tháng. Ở các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí do UBND thành phố quy định là 200.000-250.000 mỗi trẻ. Còn đối với các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt ở những khu vực nghèo, thậm chí có nơi chỉ thu dưới 500.000 cho tất cả mọi chi phí.

Trưởng phòng Thanh cũng cho rằng, việc thành phố thiếu hụt giáo viên mầm non còn do số lượng trẻ tăng khá nhanh từ năm 2001 tới nay, với khoảng 4.000 trẻ từ 1 đến 2 tuổi, và hơn 80.000 trẻ từ 3 đến 5 tuổi được đưa tới trường, lớp.

Trong khi đó, 3 cơ sở có đào tạo giáo viên mầm non tại thành phố là Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3 tại TP HCM, khoa Mầm non của ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm thành phố, dù đào tạo hết công suất, cũng chỉ cung cấp được 1.000 người mỗi năm, chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu tuyển dụng của các trường công lập.

Giống như giáo dục mầm non, các cấp học khác của TP HCM cũng rơi vào cảnh "lao đao" trước thềm năm học mới, vì thiếu giáo viên.

Cụ thể, năm nay hệ tiểu học thiếu 876 người, THPT thiếu 882, còn số nhân sự cần bổ sung của cấp THCS lên tới 1.316 giáo viên, theo thống kê của Sở GD-ĐT thành phố. Các hệ khác như giáo viên chuyên biệt, tăng cường ngoại ngữ bậc tiểu học, giảng viên Cao Đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng thiếu từ vài chục tới hàng trăm người.

Trưởng Phòng Tổ chức và Quản lý cán bộ, Sở GD&ĐT Văn Công Sang chi biết, tình trạng thiếu hụt nhân sự đứng lớp do nhiều giáo viên trẻ bỏ nghề, hoặc chuyển sang dạy tại các trường quốc tế, tư thục vì được trả mức lương cao hơn. Hơn nữa, lượng học sinh, trường lớp và số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu nhiều qua mỗi năm, cũng khiến lực lượng giáo viên cần bổ sung tăng cao.

"Nhưng dù thiếu người, ngành giáo dục thành phố vẫn duy trì tốt việc dạy và học. Hiện các trường vẫn xoay xở bằng cách tăng số tiết dạy theo định mức của mỗi giáo viên và trả thù lao riêng cho những tiết phụ trội đó', ông Sang cho biết.

Nhằm bù đắp, bổ sung lực lượng giáo viên thiếu hụt cho năm học 2008-2009, ngành giáo dục thành phố cho biết sẽ tuyển dụng 4.322 người trước khi niên học mới bắt đầu.

Theo kế hoạch, Sở sẽ tuyển 882 giáo viên THPT, 1.316 giáo viên THCS, 876 giáo viên tiểu học, 988 giáo viên mầm non... Năm nay, lần đầu tiên ngành giáo dục thành phố tổ chức xét tuyển giáo viên tâm lý giáo dục để làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học, và giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh bằng tiếng Anh.

Sở sẽ ưu tiên bổ sung nguồn giáo viên cho các quận, huyện ngoại thành xa trung tâm như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú. Ngành giáo dục thành phố rút ngắn số thời gian dạy nghĩa vụ tại khu vực ngoại thành từ 4 xuống 3 năm đối với nữ, và 5 xuống 4 năm đối với giáo viên nam, để khích lệ giáo viên tới làm việc tại các khu vực này, từ năm nay.

Riêng ngành giáo dục mầm non, Sở sẽ khắc phục việc thiếu giáo viên, bằng cách vận động toàn bộ nguồn giáo viên mới ra trường từ các cơ sở đào tạo của thành phố, thậm chí chấp nhận cả giáo viên KT3, chưa có hộ khẩu tại TP HCM, nhằm đáp ứng đủ 1.000 chỗ trống cho các trường mầm non công lập trong năm học này.

Với các trường, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp cùng các trường ĐH-CĐ đào tạo nghề các khóa ngắn hạn 3-9 tháng để cung ứng bảo mẫu, giáo viên đảm bảo tay nghề, tránh những tai nạn bạo hành trẻ như thời gian vừa qua

Theo Lan Hương (Vnexpress)
.
.
.