Kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới
Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) - chương trình đầu tiên được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bước đầu đã có kết quả tích cực.
5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn, trình thẩm định và được phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, 3 bộ sách giáo khoa lớp 2, 3 bộ sách giáo khoa lớp 6, ở đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục theo CT GDPT 2018 và bảo đảm chất lượng. Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Đặc biệt học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khoá học trước thực hiện CT GDPT hiện hành. Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.
Từ giám sát thực tế và báo cáo của Bộ GD&ĐT, báo cáo của các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng chương trình, xã hội hoá sách giáo khoa, dạy học lớp 1.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, CT GDPT 2018 đã được xây dựng với quy trình đảm bảo tính khoa học, khả thi; khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; chương trình đảm bảo tính toàn diện, bài bản, tiến bộ. Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện bài bản, chặt chẽ, trách nhiệm.
Tuy nhiên, quá trình giám sát thực tế, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cũng nhận được phản ánh của cử tri, dư luận về chất lượng, giá thành sách giáo khoa, việc phân phối thời lượng chương trình ở bậc tiểu học và cấu trúc chương trình ở bậc trung học đối với các môn tích hợp. Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của nhà giáo, chuyên gia; hằng năm có đánh giá tổng kết chương trình, để có những giải pháp định hướng kịp thời đảm bảo chất lượng việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ GD&ĐT coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành.
Đặc biệt, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm. Chia sẻ thêm về bài học kinh nghiệm sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các địa phương, ban ngành; đặc biệt sự dốc sức của những người triển khai trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Kim Sơn, trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, Bộ GD&ĐT cần phải đổi mới thêm một bước, linh hoạt và tương xứng hơn, đặc biệt là trong quản lý nhà nước về biên soạn sách giáo khoa; Tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất.
Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo, cơ sở giáo dục và tinh thần không để học sinh thiếu sách giáo khoa. Riêng về đội ngũ giáo viên, ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.