Giáo viên, học sinh nói gì khi Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025?

Thứ Tư, 22/03/2023, 09:20

Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến xã hội, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025.

Nhiều giáo viên cho rằng, điều chỉnh này là phù hợp bởi Lịch sử là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới áp dụng ở bậc THPT từ năm 2022-2023 và năm 2025, "lứa" học sinh đầu tiên học theo chương trình này sẽ thi tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, cần thay đổi cách dạy và học, đặc biệt là cách ra đề thi sát với mục tiêu xét tốt nghiệp để không gây “quá tải” cho học sinh cuối cấp.

Theo phương án dự thảo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2025- 2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.

c0dba06f-3091-4edb-b0b6-f671f476df26_1_201_a.jpeg -0
Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc được kỳ vọng sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ảnh minh họa

Về môn thi, hình thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. Với sự điều chỉnh này, từ năm 2025, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ không còn 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội như hiện nay.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Từ năm học 2022-2023, chương trình GDPT mới được áp dụng đối với lớp 10, trong đó Lịch sử từ môn tự chọn đã được điều chỉnh thành môn học bắt buộc nên đến năm 2025, lứa học sinh này thi tốt nghiệp THPT với môn thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử là phù hợp.

Theo thầy Hiếu, nếu xét về mặt logic, khi môn Lịch sử là một môn học bắt buộc thì đương nhiên nó phải là môn thi bắt buộc. Bên cạnh đó, việc Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục tình yêu lịch sử và góp phần cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng học Lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay.

Cô Bùi Thu Nga, giáo viên môn Lịch sử tại một trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, việc Lịch sử góp mặt trong môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo động lực để học sinh chú tâm hơn đến môn học này, thay vì còn thờ ơ như trước. Đây là việc cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt. Tuy nhiên, điều khiến cô Nga băn khoăn là nội dung môn Lịch sử hiện tại vẫn hơi nặng với học sinh đại trà bậc THPT.

Để nội dung phù hợp hơn, học sinh có thể học tốt, đáp ứng làm bài kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Nga đề xuất, Bộ GD&ĐT xem xét lược bỏ bớt những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở phần đại trà; kết hợp giữa việc học trên lớp và giáo dục thực tế để tạo hứng thú cho học sinh; hướng ra đề thi cũng không nên yêu cầu học sinh phải nắm bắt tỉ mỉ, chi li kiến thức sử liệu, số liệu ngày, tháng, năm để các em cảm thấy môn Lịch sử không “đáng sợ”.

Việc môn Lịch sử dự kiến sẽ thành môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng đang gây “chia rẽ” trong học sinh với 2 luồng ý kiến trái chiều. Với các em có thiên hướng ở các môn Khoa học Xã hội, điều này không có gì đáng ngại, thậm chí, rất nhiều em còn tỏ ra phấn khởi. Tuy nhiên, đối với các học sinh có thiên hướng theo các môn Khoa học Tự nhiên, không ít em tỏ ra lo lắng vì lo ngại áp lực học tập, ôn thi cuối cấp sẽ tăng lên. Do đó, nguyện vọng chung của học sinh lớp 10 hiện nay là nếu phương án Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ tốt nghiệp THPT được thông qua, Bộ GD&ĐT cần giảm tải bớt các kiến thức không cần thiết, đề thi nhẹ nhàng phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp để không tạo thêm áp lực ôn tập đối với học sinh cuối cấp.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, khi Lịch sử là môn học bắt buộc thì việc đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc về mặt lý thuyết sẽ không gây xáo trộn đối với kế hoạch giáo dục của các nhà trường. Bên cạnh đó, khi có thêm Lịch sử, số môn thi bắt buộc sẽ là 4 môn (thay vì 3 môn so với trước đó) cộng 2 môn lựa chọn, tưởng chừng kỳ thi sẽ nặng hơn, học sinh phải học nhiều hơn nhưng thực tế không phải vậy; số lượng môn thi vẫn là 6, không thay đổi.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, học sinh cũng phải thi 6 môn bao gồm: 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Tuy vậy, các ý kiến đều đề nghị Bộ GD&ĐT cần xây dựng đề thi hợp lý, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp. Trong đó, đề thi chủ yếu tập trung vào phần kiến thức cơ bản, ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không quá đánh đố học sinh. Đồng thời, nếu dự thảo được thông qua, cũng cần sớm công bố phương án chi tiết để học sinh, phụ huynh, giáo viên sớm chuẩn bị về cả tâm lý và kiến thức.

Huyền Thanh
.
.
.