Giảm chỉ tiêu lấy điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển thi đánh giá năng lực
Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) phía Bắc đã công bố phương án tuyển sinh ĐH năm 2022.
Năm nay, nhiều trường ĐH lớn đều giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó, các trường bổ sung thêm phương án sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Hà Nội hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội để tuyển sinh. Sự điều chỉnh này đòi hỏi thí sinh cần phải có chiến lược ôn tập, phân bố thời gian ôn thi hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển, nhất là vào các trường top đầu.
Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội sử dụng 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết hợp dựa trên đề án tuyển sinh của trường và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chỉ chiếm 10-15% tổng chỉ tiêu, giảm mạnh so với 70% của năm 2021.
Ở phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, chiếm 80-85% chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở rộng từ 5 nhóm đối tượng xét tuyển lên 7 nhóm, trong đó, nhà trường bổ sung thêm 2 đối tượng là thí sinh có điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt từ 20 điểm.
Năm 2022, Trường ĐH Ngoại thương cũng dành một số chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi ĐGNL do ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2022. Phương thức xét tuyển này áp dụng cho một số chương trình tiêu chuẩn. Trường ĐH Thương mại cũng cho biết, ngoài các phương án xét tuyển như năm 2021, năm nay, nhà trường dành khoảng 4-5% chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi ĐGNL cho ĐHQG Hà Nội tổ chức. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPTnăm 2022, theo từng tổ hợp bài thi/môn thi chỉ chiếm 40-50% tổng chỉ tiêu, giảm mạnh so với năm 2021.
Thống kê mới nhất cho thấy, năm 2022 sẽ có khoảng 50 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển ĐH. PGS-TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức 16 đợt thi ĐGNL trong năm 2022, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8. Kỳ thi ĐGNL của trường dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, các đợt thi sẽ được tổ chức thành nhiều đợt trong năm.
Ngoài tổ chức thành nhiều đợt tùy thuộc vào diễn biến dịch, ĐHQG Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức kỳ thi ở nhiều điểm thi khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh có thể chủ động đăng ký tham gia vào thời điểm và địa điểm mong muốn, phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Tại khu vực phía Nam, dự kiến sẽ có trên 60 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL do ĐHQG Hồ Chí Minh tổ chức để tuyển sinh.
Bên cạnh kỳ thi ĐGNL, nhiều trường ĐH phía Bắc còn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức để tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện có 8 trường sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh trong năm 2022. Theo kế hoạch dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy 2022 diễn ra trong một ngày, sau khi kỳ thi tốt nghiệpTHPT kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại bốn địa điểm thi thuận lợi cho học sinh gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.
Có thể thấy, tuyển sinh bằng ĐGNL, đánh giá tư duy với sự kết hợp giữa các trường ĐH hay còn gọi là xét tuyển chung theo nhóm trường đang là xu thế được nhiều trường ĐH lựa chọn nhằm giảm dần lệ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có thể giúp các trường lựa chọn được người học phù hợp với ngành nghề đào tạo với cách thức đánh giá sát thực hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp với bản thân thay vì chỉ tập trung, chờ đợi vào duy nhất một phương thức nào đó. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là thí sinh cần phải phân bố thời gian ôn tập hợp lý bởi các kỳ thi khác nhau có tính chất, yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức đối với học sinh, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh lớp 12 phải học trực tuyến kéo dài.
Cô Lê Thu Thuỷ, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết: Hiện nay học sinh cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi vừa phải học, ôn tập theo phương thức thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa học để đáp ứng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Để tạo thuận lợi cho học sinh, theo cô Thuỷ, các trường ĐH chủ trì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên tăng cường cho học sinh làm bài thi thử trực tuyến hoặc xây dựng hướng dẫn tỉ mỉ dưới dạng video để giúp các em được làm quen với dạng đề, nắm bắt được yêu cầu kiến thức, từ đó có hướng ôn tập phù hợp, giảm bớt được áp lực do cùng lúc phải tham dự nhiều kỳ thi, nhất là trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay.