Giải pháp “cứu cánh” tuyển sinh tuồng, chèo, cải lương...
Lần đầu tiên 20 chuyên ngành trong nhóm nghệ thuật trình diễn có mặt trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH (gọi tắt là Thông tư 05) vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành. Đây được coi là chính sách để thu hút thí sinh cũng như khuyến khích, động viên sinh viên đang theo học nghệ thuật trình diễn.
Ngành học đặc thù cần được hưởng chính sách đặc thù
Ngày 15/6/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05 thay thế Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 về việc quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đã bổ sung thêm nhiều chuyên ngành mới (Thông tư có hiệu lực từ ngày 30/7/2023).
Trong đó, đáng chú ý, 20 chuyên ngành (trình độ trung cấp) thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn được xếp vào danh mục này, trong đó có nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật biểu diễn chèo, nghệ thuật biểu diễn tuồng, nghệ thuật biểu diễn cải lương, nghệ thuật biểu diễn kịch múa, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, nghệ thuật biểu diễn xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ...
Vui mừng khi đón nhận thông tin này, TS. NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, các chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn được xếp vào danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lần này đều là những ngành học đặc thù, đòi hỏi khắt khe từ quá trình tuyển chọn đến công việc biểu diễn sau khi ra trường. Để theo được nghề, các em không những cần năng khiếu bẩm sinh mà phải có sức khỏe tốt, sự đam mê, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo.
“Ví dụ chuyên ngành thanh nhạc, để đào tạo ra một ca sĩ chuyên nghiệp cần 8 năm từ hệ trung cấp đến đại học. Rõ ràng thời gian đào tạo rất dài, tốn kém tiền bạc của gia đình, công sức, trí tuệ của các em, bởi vậy khi được xếp vào danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các em sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm học phí, có ưu ái trong xét học bổng. Ngành học đặc thù cần được hưởng chính sách đặc thù. Tôi thấy đây là một chính sách phù hợp, cần thiết trong thời điểm hiện nay khi mà nhiều thí sinh không mặn mà thi tuyển vào các chuyên ngành nghệ thuật”, TS. NSND Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo CAND, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế đã tiến hành đo cường độ lao động dựa trên nhịp tim và các chỉ số khác của nghệ sĩ biểu diễn. Kết quả cho thấy, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực xiếc, tuồng và bộ hơi là vất vả, nặng nhọc nhất. Bởi vậy, lần này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa 20 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn vào danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được hưởng chế độ ưu đãi trong đào tạo là rất cần thiết.
“Đó đều là những ngành học đặc thù và bị ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, yếu tố nghề nghiệp. Tôi lấy ví dụ, thời tiết thay đổi sẽ khiến ca sĩ, nghệ sĩ hát tuồng, chèo, cải lương hay nghệ sĩ sáo trúc… đau họng làm ảnh hưởng đến thanh đới và cường độ hoạt động của phổi nên khó biểu diễn được. Đặc biệt, với những nghệ sĩ hát tuồng, chèo, cải lương khi biểu diễn với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhất là vào vai nhân vật có số phận bi ai sẽ có những ám ảnh, giấc ngủ có khi cũng không được bình yên”, NSND Lê Tiến Thọ bộc bạch.
Cần thêm nhiều chính sách thiết thực
Trong 20 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn có mặt trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì biểu diễn nghệ thuật/nhạc cụ truyền thống là thiệt thòi hơn cả. Sinh viên theo học biểu diễn nghệ thuật/nhạc cụ truyền thống ra trường lại khó có “chân” biên chế trong các nhà hát, trong khi biểu diễn bên ngoài cũng rất hạn chế. Thực tế cho thấy những năm gần đây, nhiều chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật/nhạc cụ truyền thống rất khó tuyển sinh, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ miễn giảm đến 70% học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
TS Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho biết, chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn tuồng suốt 10 năm nay không tuyển được sinh viên; nghệ thuật biểu diễn cải lương cũng đã 3 năm nay không tuyển được sinh viên, mặc dù đây là những chuyên ngành rất mạnh, có truyền thống từ khi thành lập trường (năm 1959). Riêng nghệ thuật biểu diễn chèo vẫn tuyển được sinh viên, nhưng mỗi năm số lượng lại giảm dần.
Việc đưa 20 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn, trong đó có biểu diễn nghệ thuật truyền thống là chính sách “cứu cánh” cho công tác tuyển sinh của các trường nghệ thuật hiện nay. Trong lúc khó khăn như hiện nay thì việc có thêm chính sách ưu đãi nào nữa cũng là rất cần thiết để “mời gọi” thí sinh đăng ký dự thi.
Cũng chung nỗi niềm đó, TS, NSƯT Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho hay, khi nhìn sang các khoa khác của nhà trường, mỗi giảng viên trong khoa không khỏi chạnh lòng, nhất là ở bộ môn tỳ bà, bộ gõ dân tộc...
Âm nhạc truyền thống được coi là hồn cốt của dân tộc, phản ánh được tầm vóc một nền văn hóa lâu đời nhưng hiện nay đang đứng trước những khó khăn từ công tác tuyển sinh đến việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Bởi vậy, việc 20 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn, trong đó có biểu diễn nhạc cụ truyền thống nằm trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các ngành, nghề đặc thù.
Điều này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của giảng viên, sinh viên, đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh tại khoa. Để âm nhạc truyền thống phát triển trong đời sống đương đại, Nhà nước cần có thêm sự khuyến khích, động viên thông qua các chính sách cụ thể, thiết thực.