Em dâu hiến gan cứu sống anh chồng

Thứ Tư, 17/07/2024, 17:56

 Người đàn ông 62 tuổi ở Hà Nội bị ung thư gan đã được cứu sống nhờ người cho tạng là em dâu. 

Ông L.Đ.A (62 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) có tiền sử viêm gan B đã 10 năm nay. Tháng 3/2024, ông tình cờ phát hiện xơ gan và hình ảnh nghi ngờ u gan ở bệnh viện huyện. Ông được chẩn đoán u gan đa ổ theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan trên nền viêm gan B mạn.

Tháng 4/2024, ông đã được nút mạch khối lớn nhất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 và có chỉ định ghép gan.

Cả gia đình tình nguyện hiến gan cho ông Đ.A. Tuy nhiên, khi mọi thành viên trong nhà được làm các xét nghiệm sàng lọc, duy nhất chỉ có em dâu của ông là chị H.T.T (45 tuổi, quê ở An Giang) phù hợp về nhóm máu và miễn dịch. Chị H quyết định hiến gan cho anh chồng.

Em dâu hiến gan cứu sống anh chồng -0
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật ghép gan cho ông Đ.A.

Cuối tháng 6/2024, các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiến hành ghép gan cho ông Đ.A từ người hiến sống là em dâu. 

Sau ghép, người nhận và người hiến gan được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Người hiến gan được ra viện sau 7 ngày ghép. Chị T trở về sinh hoạt bình thường, chức năng gan đạt ngưỡng bình thường, thể tích gan trái còn lại sau ghép đã tăng thêm 100%.

Hiện tại, sức khỏe của người nhận ổn định, chức năng gan ghép tốt, ăn uống ngon miệng, đi lại bình thường.

Hiện nay, nhu cầu đăng ký ghép tạng rất nhiều nhưng nguồn hiến tạng lại vô cùng ít, bởi vậy danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài thêm.

Em dâu hiến gan cứu sống anh chồng -0
Ông Đ.A bình phục nhờ gan hiến tặng của em dâu.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 12 người chết não hiến tạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, nước ta có khoảng 1.000 người được ghép tạng và trở thành nước có số người được ghép tạng nhiều nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nguồn tạng chủ yếu từ người cho sống. Việt Nam vẫn là một trong nước có tỷ lệ người chết não hiến tạng thấp nhất trên thế giới. 

Trong khi nguồn hiến tạng từ một người cho chết não, chết tim, có thể lấy được nhiều tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tụy và giác mạc…) và cứu sống nhiều người cùng lúc. 

Vì vậy, để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc cả cộng đồng, xã hội. 

Trần Hằng
.
.
.