Những em bé được hồi sinh nhờ ghép gan

Thứ Ba, 12/04/2022, 08:18

Từ năm 2004, ca ghép gan cho trẻ em từ người cho sống đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện 103 là cháu Nguyễn Thị Diệp (8 tuổi, Nam Định), gần 20 năm sau, nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép gan đỉnh cao không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.

Ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất (9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng) vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công, đã mang đến rất nhiều hy vọng sống cho trẻ em mắc bệnh lý teo mật bẩm sinh, suy gan, ung thư gan giai đoạn cuối. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi tập thể thầy thuốc thực hiện thành công ca ghép gan này.

Sức sống kỳ diệu của em bé 9 tháng tuổi

Cháu bé 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Từ khi 2 tháng tuổi cháu đã yếu ớt phải nhiều lần nhập viện. Bệnh của cháu ngày một tiến triển nặng, dẫn tới tình trạng xơ gan mật tiến triển - một bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Theo chia sẻ của mẹ bé, gia đình chị rất đau buồn vì bệnh tình của con nguy kịch, trong khi các phương pháp điều trị đều không có kết quả, chỉ có ghép gan mới cứu sống được tính mạng. 

Cháu bé được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương ghép gan, người cho gan là bố. Sau hàng loạt các thăm khám, chăm sóc, nuôi dưỡng để cháu bé có đủ sức khỏe (cân nặng được 8,2kg) cho ca ghép, ngày 14/3 các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành song song 2 phòng mổ để lấy gan từ bố và ghép cho con. Ca mổ diễn ra trong 9 giờ đã thành công, cháu bé được cứu sống. Đây là ca ghép gan thành công thứ 25 tại Bệnh viện Nhi Trung ương và là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sĩ của bệnh viện, không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.

Đến nay sức khỏe của cháu bé tốt, được xuất viện và gia đình bé quyết định ở lại Hà Nội thêm 3 tháng để theo dõi, thăm khám định kỳ cho cháu. Ngày 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi này. Chủ tịch nước nhấn mạnh, ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, nhờ sự nỗ lực không ngừng học hỏi về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm làm chủ hoàn toàn quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức góp phần mở ra nhiều hi vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy gan giai đoạn cuối. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong các bác sỹ và nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục làm việc trên tinh thần "Tận tâm, chất lượng vì sức khoẻ trẻ em Việt Nam" để mang lại cuộc sống cho nhiều trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hơn nữa.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ em bị teo đường mật bẩm sinh, có các bệnh lý về gan mật, trong số đó nhiều em bé bị suy gan giai đoạn cuối cần ghép gan mới có cơ hội sống. Song tỷ lệ bệnh nhi suy gan, ung thư gan giai đoạn cuối được ghép gan chưa nhiều do nguồn tạng còn hiếm. Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam, trong đó đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp.

2-1.jpg -0
Cháu bé 5 tuổi bị u nguyên bào gan đã hồi phục sau ca ghép gan tại Bệnh viện 108.

Chắp cánh ước mơ

Khi chia sẻ về thành tựu 108 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện không giấu được niềm vui trong những thành công đó có nhiều ca ghép gan cho trẻ em. Bệnh viện 108 cũng là nơi phối hợp chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho 5 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương (thực hiện được 6 ca). Điển hình vào ngày 17/8/2021, Bệnh viện 108 phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan cứu sống bé gái 18 tháng tuổi bị u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi, mặc dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch, song khối u vẫn phát triển nhanh. Ca ghép gan vô cùng phức tạp được thực hiện thành công mang lại cuộc sống mới cho cháu bé, trở thành ca ghép gan cho trẻ em ung thư đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Bệnh viện 108 thực hiện ghép gan thành công cho cháu bé 5 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bằng kỹ thuật nội soi lấy thùy gan trái từ người cho sống. Cháu bé bị u nguyên bào gan ác tính - một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em. Vào tháng 7/2021 đã phẫu thuật cắt gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) do khối u ác tính phát triển. Sau mổ, khối u tiếp tục phát triển ở phần gan còn lại. Cháu bé được điều trị hóa chất 10 chu kì ở trong nước và nước ngoài (Thái Lan). Tuy nhiên, khối u không đáp ứng với điều trị, dấu ấn ung thư (AFP) không những không giảm mà tiếp tục tăng rất cao. Cháu bé được tiên lượng tử vong sớm nếu không còn phương pháp nào điều trị.

Đại tá Lê Văn Thành, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện 108 cho biết, ghép gan là biện pháp cuối cùng để cứu sống cháu bé. Cả nhà không có ai ngoài cô ruột  có chỉ số tương thích với cháu bé để hiến gan. Thể trạng của cháu bé yếu, nặng chưa đầy 15kg, sau điều trị hóa chất xuất hiện tình trạng ức chế tủy xương, thiếu máu, giảm bạch cầu. Vì thế ca ghép gan hết sức phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng trăm ca ghép gan, các bác sĩ của Bệnh viện 108 đã thực hiện thành công ca ghép trong 7 giờ.

Hiện nay cả nước có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 300 bệnh nhân. Danh sách chờ ghép gan rất lớn, trong đó có nhiều trẻ em, nhưng nguồn tạng hiến còn nhiều khó khăn. GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết một thực trạng đau lòng, đó là hiện có rất nhiều người bệnh đang hàng ngày, hàng giờ không chờ được tạng hiến để ghép và phải tử vong. Theo thống kê, trong vòng 2 năm qua, số lượng chờ ghép tạng tương đối lớn, gần 8.789 người cần ghép thận, 407 người đang cần ghép gan, 110 người cần ghép tim, 79 người cần ghép phổi, 189 người cần ghép tụy, 55 trường hợp cần ghép ruột. Những con số này cho thấy chúng ta cần một lượng lớn tạng để cứu sống người bệnh.

Bệnh viện 108 cho biết, Bệnh viện đang phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các trung tâm ghép tạng và các bệnh viện nhằm kịp thời nguồn tạng ghép cho các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép.

Trần Hằng
.
.
.