Đề thi Văn vào lớp 10 vừa sức, cấu trúc đề quen thuộc
Ngày 18/6, hơn 106 nghìn học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập với bài thi môn Ngữ văn (120 phút) và bài thi môn Ngoại ngữ (60 phút). Theo đánh giá của nhiều học sinh và giáo viên, đề thi môn Ngữ văn năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc như những năm trước nhưng có giảm "độ khó", phù hợp với điều kiện thực tế khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2022-2023, trong môn thi Ngữ văn sáng 18/6, tại các điểm thi chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng nào. Công tác an ninh, an toàn trong và ngoài khu vực các điểm thi đều được bảo đảm. Toàn thành phố có 41 thí sinh diện F0 tự nguyện tham dự kỳ thi.
Các điểm thi có thí sinh F0 đã bố trí cho các em dự thi ở phòng thi riêng với đầy đủ các điều kiện an toàn, tạo sự yên tâm cho các thí sinh khác. Ngoài ra, toàn thành phố cũng có 45 thí sinh diện F0 đăng ký xét tuyển vào lớp 10.
Trong buổi thi môn Ngữ văn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đi kiểm tra công tác coi thi tại các điểm thi đặt tại các trường trung học phổ thông: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng chúc các em bình tĩnh, tự tin làm bài và chấp hành đúng quy chế thi.
Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần: Phần 1 (6,5 điểm) có 4 câu hỏi nhỏ cùng về tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải, trong đó đi sâu vào cảm xúc và tiếng lòng náo nức của nhà thơ về vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên.
Tại phần 2 (3,5 điểm), đề thi cho một đoạn trích trong tác phẩm “Tấm gương” của nhà văn Băng Sơn. Ở đó, tác giả có nhắc đến một gương mặt đẹp và một tâm hồn đẹp cùng một tấm gương lương tâm- những yếu tố tạo nên hạnh phúc trọn vẹn; từ đó muốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đối vừa sức và vẫn có câu hỏi phân hóa, học sinh vẫn có thể phát huy phẩm chất, năng lực của mình. Về cấu trúc đề, khá giống với các năm trước, học sinh đã khá quen thuộc. Đề bài không yêu cầu thí sinh phải học thuộc nhiều mà phải thực sự hiểu nội dung cũng như có kĩ năng cảm thụ.
Ở phần II, câu hỏi nghị luận xã hội với chủ đề sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn khá hay. Học sinh cần có những hiểu biết về xã hội, về cuộc sống xung quanh và đặc biệt thấu tỏ sự vô giá của vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người thì mới có thể viết sâu sắc vấn đề này.
Cô Phan Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết: Đề thi khá phù hợp với tình hình học tập vừa online vừa trực tiếp trong năm học vừa qua. Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt được 5, 6, 7 điểm, các bạn học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm 8-9.