Tuyển sinh đại học năm 2022:

Đề thi đánh giá năng lực sẽ không khuyến khích việc học “tủ”?

Thứ Bảy, 05/03/2022, 09:34

Năm 2022, thi đánh giá năng lực đã và đang trở thành xu hướng trong tuyển sinh đại học khi có nhiều trường đại học lớn trên cả nước quyết định lựa chọn phương thức này.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường đại học top đầu tổ chức kỳ thi riêng hoặc tổ chức thêm bài thi “sát hạch” là lựa chọn phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Điều này cũng tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vì không còn bị phụ thuộc hoàn toàn vào kết qủa của kỳ thi tốt nghiệp THPT.Tuy vậy, vấn đề được quan tâm nhất tại thời điểm này là để đạt kết quả cao, thí sinh có phải tìm đến các “lò” luyện thi? Nhiều trường top đầu tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh

Năm 2022, các học viện, trường CAND tiếp tục duy trì 3 phương thức tuyển sinh như năm 2021.Tuy nhiên, ở phương thức 3, xét tuyển kết hợp giữa kết quả học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp, năm nay thí sinh phải có thêm bài đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an. Bài thi được cấu trúc gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Tổng thời gian làm bài 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút.

Bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Các học viện, trường CAND tổ chức thi theo lịch tuyển sinh chung của Bộ Công an. Khi xét tuyển, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm 40% tổng điểm xét tuyển. Kết quả bài thi đánh giá do học viện, trường đại họcCAND tổ chức chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Điểm trên được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cộng với điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Công an.

Đề thi đánh giá năng lực sẽ không khuyến khích việc học “tủ”? -0
Đề thi đánh giá năng lực do các trường top đầu tổ chức sẽ có độ khó cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên 2 cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất cả nước là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi của tất cả các môn được ra dưới hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn, thí sinh làm bài thi trong vòng 90 phút, đối với 6 môn còn lại, thời gian làm bài được quy định là 60 phút. Điều kiện đăng ký dự thi là thí sinh đã tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 điểm trở lên. Trường xét tuyển theo từng ngành dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực hai môn. Đối với các ngành có thi năng khiếu xét theo tổng điểm các môn thi năng khiếu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với các môn thi đánh giá năng lực.

Còn Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực với 6 bài thi gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường.

Năm 2022, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến lấy 60-70% tổng chỉ tiêu, tương đương khoảng 4.700-5.600 sinh viên dựa trên kết quả của bài thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức. Ngoài ra, có gần 20 trường ĐH khác trong cả nước dự kiến sẽ sử dụng bài thi này để xét tuyển với 10-30% tổng chỉ tiêu.Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Năm 2022, ĐHQG Hà Nội cũng tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi. Hiện có khoảng gần 50 đại học, trường đại học trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển.

Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức cũng sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi ngoài 7 địa phương như năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia. Trường sẽ tổ chức kỳ thi thành hai đợt.Đợt 1 dự kiến vào ngày 27/3 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7/2022.Dự kiến sẽ có khoảng hơn 80.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này.

Các lò luyện thi với nhiều “chiêu” lôi kéo thí sinh

Từ số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy sức hút của các kỳ thi này đối với thí sinh hiện nay. Tuy vậy, đây cũng chính là thời điểm nhiều trung tâm luyện thi, ôn thi đánh giá năng lực “mọc” lên như “nấm sau mưa” với nhiều “chiêu” lôi kéo thí sinh. Để hạn chế việc thí sinh bị “mất tiền oan” khi tìm đến các lò luyện thi, ĐHQG Hà Nội cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, với cấu trúc và tính chất của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, thí sinh không cần đến các “lò” luyện thi. Thực tế kết quả thi đánh giá năng lực những năm qua cho thấy, thí sinh đạt điểm cao nhất đều là những em có năng lực tự học. TS.Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Đề thi đánh giá năng lực được ra với mục tiêu để thí sinh không luyện thi, tìm kiếm những em có năng lực thật và định hướng học tập một cách đúng đắn.

Lời khuyên là thí sinh không cần tham gia các khoá luyện thi đang được quảng cáo ở khắp nơi mà nên tự ôn luyện năng lực chung của mình. Bài thi hỏi rất tổng quát về khả năng hệ thống hoá, khả năng xử lý số liệu, xử lý vấn đề… vì thế không thể học kiểu “trúng tủ”.

Theo ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong đợt thi thử bài thi đánh giá tư duy năm 2022 do nhà trường tổ chức vào cuối tháng 1/2022 đã có khoảng 4.000 thí sinh tham gia phần thi Toán và Đọc hiểu, hơn 3.000 thí sinh tham gia phần thi Khoa học Tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh) và gần 2.400 thí sinh tham gia phần thi Tiếng Anh. PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi có tính tổng hợp, đòi hỏi thí sinh phải nắm được kiến thức căn bản ở bậc THPT, hạn chế tình trạng học “tủ”, học “lệch””.

Với bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an tổ chức, Cục Đào tạo lưu ý: Đề thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Phần trắc nghiệm bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường CAND; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành. Đề thi nhìn chung sẽ có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác Công an.

Huyền Thanh
.
.
.