Đại học Quốc gia Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngày 12/10, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội, 117 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa và thư chúc mừng ĐHQGHN. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng ĐHQGHN.
Dự sự kiện tại ĐHQGHN có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị đối tác trong và ngoài nước của ĐHQGHN; lãnh đạo ĐHQGHN và các đơn vị qua các thời kỳ; các giáo sư, nhà giáo lão thành, các nhà khoa học, thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên ĐHQGHN…
Phát biểu khai mạc, GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho biết, thực hiện chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng, Chính phủ và trước những đòi hỏi cấp bách của công cuộc đổi mới, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ngày 10/12/1993, cách đây đúng 30 năm, Đảng và Nhà nước đã quyết định thành lập ĐHQGHN.
Nghị định số 97/CP 1993 quy định ĐHQGHN là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, gắn đào tạo, nghiên cứu với thực tiễn, có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia các ngành khoa học và công nghệ trình độ cao và hỗ trợ học thuật cho các trường đại học khác. ĐHQGHN là đơn vị sự nghiệp cấp trung ương, hoạt động theo Nghị định của Chính phủ và Quy chế hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có dấu Quốc huy, đơn vị dự toán ngân sách cấp 1, lãnh đạo ĐHQG do Thủ tướng bổ nhiệm, được tự chủ cao về chuyên môn, tài chính và nhân sự; được Nhà nước ưu tiên bố trí diện tích gần1.200ha để xây dựng Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
ĐHQGHN tự hào được kế thừa bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của 117 năm từ Đại học Đông Dương (năm 1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (năm 1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Lễ khai giảng tại Hội trường 19 Lê Thánh Tông) và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1956), vừa được tự chủ phát triển theo mô hình mới với một số cơ chế ưu tiên để phụng sự quốc gia trong thời kỳ đổi mới.
“Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của ĐHQGHN. Là dịp để ĐHQGHN tri ân sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt là dịp để các thế hệ thầy trò ôn lại kỷ niệm, tổng kết những thành tựu, đánh giá và rút ra các bài học, tiếp tục giữ vững truyền thống, vun đắp niềm tự hào và khẳng định quyết tâm thực hiện thành công chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn mới”, GS Lê Quân bày tỏ.
Cũng theo GS Lê Quân, trong 30 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều kết luận chỉ đạo quan trọng về phát triển ĐHQGHN, trong đó, gần đây nhất, ngày 24/11/2023, Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45 đề ra nhiệm vụ phát triển ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Với truyền thống 117 năm, ĐHQGHN và các đơn vị trực thuộc đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quí, trong đó có Huân chương Sao Vàng. Nhiều đơn vị trực thuộc ĐHQGHN được trao tặng các danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động… Ngày 10/12/2023, ĐHQGHN tiếp tục đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng của Nhà nước ghi nhận những đóng góp không ngừng của ĐHQGHN cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Vô cùng vinh dự, ĐHQGHN được nhận thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó thư viết: Sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đạt được các thành tích xuất sắc và thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng hàng đầu của đất nước, có vai trò nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, GS Lê Quân nói.
ĐHQGHN hiện có gần 5.200 viên chức và người lao động, trong đó số giảng viên và cán bộ nghiên cứu hơn 2.700 người với 556 GS, PGS và 1.700 TS. Số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ của ĐHQGHN chiếm hơn 62%, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, có uy tín lớn trong và ngoài nước; có thứ hạng cao trong nhóm các nhà khoa học ảnh hưởng trên thế giới, đạt nhiều giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như các giải thưởng khoa học quốc tế danh giá.
Đến nay, ĐHQGHN có trên 500 chương trình đào tạo, gồm 190 chương trình đại học và trên 300 chương trình sau đại học. Quy mô đào tạo hiện nay vào khoảng gần 60.000 người học, trong đó có khoảng 1.000 sinh viên quốc tế. Trong 30 năm qua, ĐHQGHN đã đào tạo gần 230.000 cử nhân, gần 43.000 thạc sĩ và 3.000 tiến sĩ.
Học sinh Trung học phổ thông chuyên ĐHQGHN đã giành được hơn 300 huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế, trong đó có 77 huy chương Vàng, 87 huy chương Bạc, 76 huy chương Đồng và 61 Huy chương Olympic khu vực. Riêng năm 2023, số huy chương Vàng của ĐHQGHN chiếm 50% tổng số huy chương Vàng của cả nước.
ĐHQGHN đã xác lập vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín và luôn duy trì vị trí trong nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới.
Hòa chung với khát vọng dân tộc, tiếp nối 117 năm truyền thống hào hùng, ĐHQGHN hướng tới tương lai với những chiến lược và mục tiêu cơ bản như: Xây dựng Khu Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc thông minh, hiện đại, bền vững, ngang tầm khu vực, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 25.000 sinh viên và hướng tới năm 2030 đạt quy mô đô thị 100.000 người với 80.000 học sinh, sinh viên và khoảng 10.000 giảng viên, nhân viên, là trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các doanh nghiệp. ĐHQGHN xác định trở thành trung tâm lõi của thành phố Hòa Lạc thuộc Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc mà ĐHQGHN đã đạt được trong 30 năm qua.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ta đã xác định có 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với đột phá này, ĐHQGHN cùng với ĐHQG TP Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục đại học có một sứ mệnh cao cả, tiên phong trong công tác đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước".
Cũng theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 45 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong đó xác định rõ phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giải pháp để đất nước ta có đội ngũ trí thức làm điểm tựa cho sự phát triển quốc gia bền vững.
"Tôi đề nghị ĐHQGHN quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và các chủ trương chính sách của Đảng; dành tâm sức xây dựng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt các giải pháp về cơ chế và nguồn lực để phát huy mọi tiềm năng của ĐHQGHN, trong đó xây dựng Khu Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc trở thành niềm tự hào, tiêu biểu cho trí tuệ, nơi khởi nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác phát triển, xây dựng ĐHQGHN thành cơ sở giáo dục đào tạo có danh tiếng trong nước, khu vực và quốc tế", đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh và tin tưởng rằng, những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước sẽ tạo ra xung lực mới để đội ngũ tri thức, các GS, PGS, TS, nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên ĐHQGHN thi đua lập thành tích xuất sắc hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình; thực sự là nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nước ta.
"Tôi tin tưởng và mong muốn Đảng bộ ĐHQGHN sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng để Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao; đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đồng lòng, chung sức xây dựng ĐHQGHN tiêu biểu cho trí thông minh, sức sáng tạo của con người Việt Nam", đồng chí Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQGHN.
Nhân dịp này, ĐHQGHN đã tri ân các thế hệ lãnh đạo ĐHQGHN và trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN cho các cá nhân có nhiều cống hiến, thành tích xuất sắc tại ĐHQGHN...