Cô giáo nặng lòng với học sinh vùng sâu

Chủ Nhật, 20/11/2022, 09:20

Không chỉ quan tâm, chăm lo cho học sinh khó khăn, học sinh yếu mà cô Lê Thị Lệ Thu (52 tuổi, giáo viên Trường THCS Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) còn có nhiều sáng tạo làm đồ dùng dạy học để các em tiếp thu bài tốt hơn. Bên cạnh đó, cô giáo này còn là một trong những người khơi gợi niềm đam mê về khoa học kĩ thuật cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Cô Lê Thị Lệ Thu là một trong 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu trên cả nước vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cô giáo này đã có 29 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có 27 năm dạy tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Trà Vinh. Trường THCS Huyền Hội là một ngôi trường ở vùng sâu của tỉnh Trà Vinh. Nơi đây còn nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo nặng lòng với học sinh vùng sâu -0
Cô Thu đang ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Cô Thu nhớ lại: “Năm đầu tiên tôi dạy, thời điểm đó các em còn thi tốt nghiệp lớp 9, nhưng chất lượng môn Vật Lý mà các em ở trường thi chỉ đạt 40%. Tôi nghĩ chắc là phương pháp mình dạy không được rồi, phải thay đổi. Đối với các em yếu kém môn này là phải quan tâm nhiều hơn, theo sát bằng việc kiểm tra thường xuyên khi ở lớp, thậm chí kêu các em đến nhà để phụ đạo ngoài giờ”. Và như vậy, đến năm thứ 2 dạy ở trường, sau khi đổi phương pháp, các em tiếp thu tốt hơn và chất lượng cũng được nâng lên. Cô Thu còn là người đào tạo, huấn luyện học sinh giỏi cho trường, hầu như năm nào cũng có học sinh đoạt giải cấp huyện, tỉnh, thậm chí cấp quốc gia.

Thầy Võ Văn Liếng, Hiệu trưởng Trường THCS Huyền Hội cho hay: “Cô Thu dạy các em rất nhiệt tình, không tính thời gian, miễn sao các em tiếp thu bài tốt, đạt yêu cầu đề ra. Thậm chí cô còn xin máy vi tính cũ để các em học sinh vùng sâu có thể tiếp cận được công nghệ, vì vậy hàng năm trường đều có học sinh đoạt giải cao môn Vật Lý”. Theo hiệu trưởng nhà trường, với cách luyện học sinh giỏi, học sinh yếu kém của cô Thu như vậy nên ở trường không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm. Từ đó, phụ huynh không phải tốn thêm chi phí cho con em.

Thành tích của cô giáo vùng sâu này thật đáng nể: 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Từ năm 2012-2022, kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp: 29 giải cấp huyện, 22 giải cấp tỉnh; kết quả bồi dưỡng học sinh thi khoa học kĩ thuật: 3 giải cấp tỉnh, 3 giải cấp huyện. Kết quả bồi dưỡng học sinh thi Violympic Vật Lý: 21 giải cấp huyện, tỉnh và 3 giải cấp quốc gia.

Song song đó, cô Thu còn khơi gợi niềm đam mê yêu khoa học kĩ thuật trong toàn trường. Cô Thu là giáo viên cấp THCS đi đầu của huyện trong hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Khoa học kĩ thuật” và “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Trà Vinh”. Một thời gian khá lâu, cô cũng hỗ trợ học sinh thành lập câu lạc bộ “Thiên văn học tỉnh Trà Vinh”.

Từ những sáng chế của học trò được cô Thu hướng dẫn đã tạo bước đệm cho nhiều em đi theo con đường khoa học kĩ thuật như: chế tạo kính thiên văn, mô hình lò đốt rác...  Ngoài ra, cô Thu còn là người sáng chế ra nhiều đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong đó, có nhiều đồ dùng được nhiều giáo viên trong tỉnh đánh giá cao như: mạch điện đa chức năng dùng trong thí nghiệm Vật Lý, dụng cụ biểu diễn của thấu kính cải tiến, đường biểu diễn sự nóng chảy…

Cô giáo vùng sâu này cũng là người tham gia tích cực phong trào ở địa phương, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19; giúp đỡ kinh phí, trang phục, đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh nghèo và những học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Với những thành tích trên, cô được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở và cấp tỉnh.

“Cô Thu làm việc xuất phát từ tâm huyết với nghề, tâm huyết với trường, tâm huyết với học sinh. Chính vì cái tâm đó mà cô rất thích nghề giáo viên. Công việc nào trường giao, cô đều hoàn thành và có thành tích cao. Đặc biệt đối với học sinh yếu kém, cô làm mọi cách để các em đạt chuẩn kiến thức”, thầy Võ Văn Liếng nhận xét.

Văn Vĩnh
.
.
.