Quảng Ngãi:

Tấm lòng của những người thầy nơi lũ dữ đi qua

Thứ Năm, 21/11/2013, 15:42
Trong khi ở nhiều nơi, thầy cô giáo và học sinh đang rộn rã chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thì tại vùng lũ dữ đi qua ở tỉnh Quảng Ngãi, thầy và trò phải đành gác lại ngày thiêng liêng nhất này để lo tập trung dọn dẹp bùn đất, sửa sang lại trường lớp, khắc phục hậu quả lũ lụt để cho kịp chương trình dạy và học đã đề ra...

Ngày 19/11, chúng tôi về xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nơi 30 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nghĩa Hành tập trung giúp dân khắc phục lũ. Lội bùn non vào từng trường đều chứng kiến cảnh giáo viên, học sinh và cán bộ, chiến sĩ Công an khẩn trương lau dọn bàn ghế “nhuộm” bùn non; sửa lại các trang thiết bị dạy học đã hư hỏng...

Ba ngày qua, cán bộ, giáo viên của Trường mẫu giáo xã Hành Dũng tập trung dọn dẹp đống đổ nát; nhưng vẫn không thể xong, để các cháu sớm đến trường lại. Sau khi lũ rút, ngôi trường bị ngập trên 3m giờ đóng đầy bùn non; thiết bị dạy học đều bị hư hỏng nặng. Cô Nguyễn Thị Bích Hiền (Hiệu trưởng) đã bật khóc khi đến trường dọn dẹp đống đổ nát. “Cơn lũ nước lên nhanh, chúng tôi trở tay di chuyển đồ đạc đi không kịp. Vài hôm nữa, khi các cháu lên lớp bàn ghế, thiết bị đâu mà cho các cháu học. Chúng tôi lo quá... ”, giọng cô Hiền nghẹn lại...

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Quảng Ngãi có hàng trăm trường học bị thiệt hại nặng nề do ngập sâu trong lũ. Riêng huyện Nghĩa Hành có trên 40 trường học bị ngập sâu trên 2m. Nhiều trường học mầm non bị thiệt hại nặng nề phải mất gần cả tuần mới khắc phục.

Tại Trường Mầm non xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành), lũ lụt cũng tàn phá, tan hoang. Một tổ công tác của Công an tỉnh và huyện cũng đã kịp thời có mặt giúp nhà trường dọn vệ sinh sau khi lũ rút. Nhìn trường lớp đổ ngã, mỗi giáo viên quặn lòng không dám nghĩ đến ngày vui 20/11.

Cô Nguyễn Thị Xuân Thuận, Hiệu trưởng, chua xót: “Tất cả giáo viên đều lo tập trung dọn dẹp vệ sinh trường, lớp nào đâu dám nghĩ đến 20/11. Ban đêm mỗi giáo viên về gia đình lo dọn dẹp nhà cửa bị chìm do lũ, còn ban ngày tất cả giáo viên tập trung tại trường cùng các anh Công an dọn bùn non. Hơn bao giờ hết, tập thể giáo viên chúng tôi khẩn trương khắc phục trường lớp, để các cháu sớm đến trường”.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi giúp các trường dọn dẹp bùn sau khi lũ rút.

Còn tại các trường ở xã Ba Xa (huyện Ba Tơ), nhiều giáo viên phải cuốc bộ băng suối, vùng sạt lở để đến trường. Do các điểm sạt lở chưa khắc phục, cùng với điện cúp dài ngày nên việc khắc phục hậu quả lũ lụt gặp nhiều khó khăn. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng các giáo viên vẫn không rời bỏ trường, lớp.

Giáo viên Phạm Văn Hun cho biết: “Nước lũ ngập sông Re, núi lở sập nhiều nhà dân ở thôn Gò Re, giáo viên chúng tôi phải đến từng nhà thông báo cho các học sinh được nghỉ học. Cùng với đó, giáo viên vẫn phải bám lại trường để vận chuyển trang thiết bị lên cao. Rồi khi nước rút, cũng chính những giáo viên đó lại phải đến trường dọn dẹp lại bàn ghế, vệ sinh trường học để đón các em trở lại trường”.

Theo giáo viên ở các xã miền núi bị lũ tàn phá, lo nhất là việc học sinh bỏ học giữa chừng. Cơn lũ đi qua đã tàn phá biết bao tài sản của người dân, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh trắng tay, nợ nần. Không có tiền, nhiều phụ huynh đành cho con em nghỉ học giữa chừng. Vậy là các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em được đến lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà tâm sự, lũ lụt dâng cao, trên đường từ trường về nhà, thầy giáo Võ Văn Tùng (44 tuổi, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Bao) đã bị lũ cuốn trôi. Đây là nỗi đau rất lớn đối vối toàn thể cán bộ, giáo viên ở huyện Sơn Hà. "Thầy Tùng gắn bó hơn 20 năm với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao xã Sơn Bao, đảm nhiệm chức hiệu trưởng suốt 18 năm qua. Ngành giáo dục Sơn Hà đã mất đi một thầy giáo tận tụy, mẫu mực hết lòng thương yêu học trò. Ngành giáo dục rất đau buồn trước sự mất mát quá lớn này", cô Thành lặng người, nước mắt tuôn rơi...

Những ngày lũ qua,, mưa vẫn xối xả khắp xã miền núi Sơn Bao còn lắm nghèo khó. Hình ảnh thầy giáo Võ Văn Tùng, vì thương trò đã vượt nước lũ hàng ngày đến trường để rồi mãi mãi ra đi, như nhắc nhở về sự gian khó của nghề gieo chữ ở vùng sâu, càng khiến chúng ta thêm yêu quý, kính trọng những người thầy, người cô tận tụy với nghề giáo, mang con chữ đến với vùng cao, với bao vất vả, gian nan. Ngày 20/11 năm nay, thầy cô giáo ở vùng lũ chắc sẽ không có hoa, những buổi lễ tri ân trang trọng như ở chốn thị thành. Bởi, thầy và trò nơi đây đều phải lo tập trung khắc phục thiệt hại do lũ gây ra. Tạm gác ngày vui trọng đại của mình, các thầy cô giáo vùng lũ không hề có một tiếng thở dài, than van; mà ai nấy cũng đều nỗ lực hết mình để sớm cho các em học sinh vùng lũ tiếp tục đến trường

Thành Sự
.
.
.