Chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” trong liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài

Thứ Sáu, 11/11/2022, 07:17

Mặc dù ủng hộ việc Bộ GD&ĐT chấn chỉnh, thanh kiểm tra các kỳ thi ngoại ngữ vì nền giáo dục thực chất, đem lại công bằng, minh bạch cho hàng nghìn thí sinh. Tuy vậy, nhiều phụ huynh và giáo viên đều cho rằng, thời gian tạm ngừng cũng không nên quá kéo dài bởi điều đó gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến học sinh, sinh viên và những người thực sự có nhu cầu...

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng. Những tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc mà còn khiến người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ do tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm có các giải pháp mạnh để chấn chỉnh.

Tạm dừng hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, tạm dịch là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế. Bài thi IELTS gồm bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết, phục vụ mục đích học tập, làm việc và định cư. Chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Tại Việt Nam, nhiều đại học dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào, xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở nước ta là Hội đồng Anh (BC) và tổ chức giáo dục quốc tế IDP. Tuy nhiên, trong tối 9 và ngày 10/11, hai đơn vị này đều thông báo tạm hoãn kỳ thi IELTS cho đến khi có thông báo mới.

Chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” trong liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài -0
Bộ GD&ĐT sẽ công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để đảm bảo quyền lợi cho người học. Ảnh minh họa.

Tương tự, một số đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế khác như Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng thông báo tạm hoãn các kỳ thi dự kiến tổ chức trong tháng 11/2022. Hầu hết lý do mà các đơn vị đưa ra đều nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Việc các đơn vị thông báo tạm dừng tổ chức thi IELTS đã và đang khiến cho không ít học sinh, phụ huynh lo lắng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của những người đang có ý định đi du học, học sinh lớp 12 có nguyện vọng dùng chứng chỉ này để xét tuyển đại học, tiếp đến là những sinh viên cần chứng chỉ này để xét chuẩn đầu ra tốt nghiệp và người đi làm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh có con đang học lớp 12 tại Hà Nội cho biết: “Việc tạm dừng thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhiều học sinh đã ôn luyện và muốn tham gia thi trong tháng 11 hoặc tháng 12 để tập trung thời gian còn lại cho các kỳ thi như tốt nghiệp, thi đại học giống như con trai nhà mình”.

Mặc dù ủng hộ việc Bộ GD&ĐT chấn chỉnh, thanh kiểm tra các kỳ thi ngoại ngữ vì nền giáo dục thực chất, đem lại công bằng, minh bạch cho hàng nghìn thí sinh. Tuy vậy, nhiều phụ huynh và giáo viên đều cho rằng, thời gian tạm ngừng cũng không nên quá kéo dài bởi điều đó gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến học sinh, sinh viên và những người thực sự có nhu cầu.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, động thái của các cơ quan chức năng hiện nay chỉ là tạm ngừng để yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục chứ không phải cấm nên thí sinh không quá lo lắng. Sự rà soát này là cần thiết, đó là quá trình thanh lọc, kiểm soát chất lượng một số trung tâm chưa được cấp phép rõ ràng nhưng lâu nay vẫn hoạt động "bát nháo", giúp cho kỳ thi các chứng chỉ ngoại ngữ được an toàn, đảm bảo chất lượng hơn.

"Việc tổ chức thi IELTS, từ trước đến nay chỉ được một số đơn vị hoạt động trên phạm vi toàn cầu như Hội đồng Anh, tổ chức IDP Education tổ chức nên những thí sinh sắp dự thi cần nắm rõ và lựa chọn những nơi ôn thi uy tín, tránh tiền mất tật mang"- TS Dũng lưu ý.

Tăng cường kiểm soát chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho người học

Thực tế cho thấy, việc tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS trong nước thời gian qua đã đem lại nhiều thuận tiện cho người học có nhu cầu. Thay vì phải tốn kém ra nước ngoài dự thi, nhiều năm nay người học được thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngay trong nước. Tuy vậy, do hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển nóng cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ nên cũng đã xuất hiện nhiều bất cập. Trong đó, đáng chú ý là việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như hiện tượng thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường quản lí liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài trên địa bàn. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD&ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát. Đặc biệt, việc một số tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐCP và Thông tư số 11/2022/TT[1]BGDĐT.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, mất bao lâu thời gian để các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài có thể hoạt động trở lại, đảm bảo quyền lợi cho người học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT theo đúng hướng dẫn. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành với thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày. Sau khi phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.

Huyền Thanh
.
.
.