Xúc động lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu

Thứ Hai, 05/09/2016, 14:45
Cùng với học sinh(HS) trên cả nước, sáng 5-9, đồng loạt các trường phổ thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều diễn ra lễ Khai giảng năm học mới 2016-2017. 

Tuy nhiên, khác với không khí tưng bừng vốn có ở hầu hết các buổi lễ khai trường với rực rỡ sắc màu của cờ và hoa, của những chùm bóng bay đủ màu, thì tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu-TP Hồ Chí Minh, không khí diễn ra khá trầm lặng.

Mới 6h30, các em đã được gia đình đưa tới. Do hầu hết các em bị mù, khiếm thị hoặc đa khuyết tật nên đều được người thân hoặc các thầy cô hỗ trợ dẫn vào chỗ ngồi. Tuy nhiên, những em học THCS, đã có vài năm học tập tại trường thì đều tự lực đi lại, thậm chí các em nhớ rành rẽ, từng vị trí từ cái ghế đá trong sân trường, tới các phòng ban giám hiệu.

Trong vòng tay yêu thương của các thầy cô, mỗi ngày đến trường là một ngày vui với các em.

Em Đặng Minh Hưng(15 tuổi, học lớp 8 Kỹ năng) tự hào khoe: Em đã có 8 năm học tại trường. Tuy mắt em giờ chỉ phân biệt được sáng, tối nhưng tới năm thứ 3 học ở đây là tất cả mọi ngóc ngách trong trường này em đều nhớ hết".

Em Lê Phước Huy( nhà tại Đak Lak, HS lớp 8A) nói nhỏ nhẹ: Em 16 tuổi nhưng do bị tật mắt nên giờ em mới học lớp 8. Em ở nhà một người thân gần trường. Hàng ngày em tự đi bộ về nhà, không cần ai dắt tay. Từ nhà tới đây em đi mất 7 phút. Luôn chính xác như vậy".

HS Mai Hương(lớp 9A của trường) thì chia sẻ với rất vui: Lễ khai giảng năm nay đúng ngày 5/9, mới thực sự là ngày toàn dân đưa con đến trường. Cảm xúc trong em dâng trào vì em nhớ khi vào học lớp 1 ở trường, lễ khai giảng của trường cũng đúng vào ngày này".

Nào! vịn vào vai nhau để cô dẫn lên sân khấu biểu diễn văn nghệ

Lễ khai giảng năm học năm nay tại đây được tổ chức gọn nhẹ trong Hội trường. Toàn bộ 317 Học sinh của 43 lớp học gồm học các môn văn hoá và các lớp kĩ năng, cùng các thầy cô đứng trang nghiêm hát bài Quốc trong Lễ chào cờ; đại diện cho Ban giám hiệu nhà trường lên đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước; phát động lễ thi đua năm học mới 2016-2017. Thầy Phạm Văn Xuân-đại diện Văn phòng Đảng uỷ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng trực tiếp lên đánh trống khai trường.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm nay cũng là năm cuối cùng ngôi trường mang tên "trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu". Bắt đầu từ năm học tới, thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của UBND TP, ngôi trường sẽ có tên mới là: "Trung tâm giáo dục hoà nhập cho người tàn tật tại TPHCM" nhằm đáp ứng nhiệm vụ sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những người khuyết tật có điều kiện tới đây học tập, học nghề, hoà nhập cuộc sống.

Hát say sưa trong lễ khai trường

Trong rất nhiều những lời dặn dò gửi gắm tới những HS thân yêu của mình, cô Thanh Vân nói xúc động: " Trước kì nghỉ hè, cô đã yêu cầu các em viết ra cho cô 5 nhiệm vụ tự lên kế hoạch của từng em. Có em cho biết sẽ về nhà giúp cha mẹ dọn quán bán hàng, có em nói sẽ học rửa bát, dọn nhà, ủi đồ cho cha mẹ. 

Những việc không có gì lớn lao, nhưng với người khuyết tật, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc bình thường như vậy, nhưng thể hiện sự làm việc và sống có ích, sống có trách nhiệm, sống nhân ái, và nghĩa tình. Năm nay thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện thật tốt nhiệm vụ năm học mới với chủ đề "Học trải nghiệm, sáng tạo, sống trách nhiệm, yêu thương". Đó cũng là truyền thống của ngôi trường chúng ta".

Được biết, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có 7/43 lớp là lớp Kĩ năng với chương trình giảng dạy cho các em được trực tiếp học nghề, mục đích hoà nhập cuộc sống. Những em trong các lớp học này đa phần bị mù và đa khuyết tật( bại não, chậm phát triển trí tuệ...) không có khả năng tiếp thu được kiến thức văn hoá như các em khác. 

Đại diện cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, thầy Phạm Văn Xuân lên đánh trống khai trường.

Lúc đầu nhà trường mới thực hiện 1 tiết/tuần, sau đó nâng lên 4 và hiện nay tới 8 tiết /tuần về các môn kĩ năng gồm: dạy nấu ăn, học nghề mát xa, học giao tiếp, các kĩ năng sống. Đây cũng là ngôi trường đón nhận HS khuyết tật từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Đồng thời là nơi gửi gắm tin tưởng của nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tới được giao lưu học tập. Năm 2015 trường tiếp nhận một số trẻ từ trung tâm Cô nhi viện Tam Bình-Thủ Đức, và năm nay tiếp tục đón một số học sinh từ Cô nhi viện Quận Gò Vấp tới học. Ngoài ra còn khá nhiều các em diện khuyết tật do ban ngành địa phương từ các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và Kiên Giang gửi tới.

Em Minh Hưng học lớp 8 A lớp kĩ năng chia sẻ: Em đang học thực hành kĩ thuật mat-xa, học nấu ăn và học kĩ năng sống. Dù hai mắt bị tật nhưng em yêu cuộc sống này lắm! Học nghề Kĩ thuật viên mat xa lúc đầu em gặp nhiều khó khăn nhưng giờ đã quen rồi. Làm được nghề này để em tự nuôi sống được bản thân, để sống có ích cho đời, nghề này lại được giao tiếp với nhiều người, cuộc sống của em sẽ luôn vui".

Huyền Nga
.
.
.