Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương: Người thầy tận tâm đến phút cuối cùng

Thứ Hai, 09/10/2017, 13:20

"Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục. Như một cây đại thụ nằm xuống, thầy ra đi để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp”- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xúc động nói trước sự ra đi của PGS Văn Như Cương.


Rạng sáng nay, 9-10, sau nhiều tháng kiên cường chống chọi với bệnh trọng, PGS Văn Như Cương đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi. Ngay sau khi nhận được hung tin, không chỉ các học trò Trường Lương Thế Vinh, hàng ngàn facebook cá nhân đã thay ảnh đại diện thành màu đen, cùng hàng chục vạn lời chia sẻ tiếc thương về sự ra đi của một người thầy đáng kính.

Nhà văn Hồ Bất Khuất, một người bạn, người em, một đồng hương làng Quỳnh Đôi với PGS Văn Như Cương chia sẻ: "Vẫn biết không ai có thể sống mãi được nhưng thầy Cương ra đi vào lúc này thật đau đớn quá. Cuộc đời thật không công bằng! Ước gì thầy sống thêm được nữa để có thể làm sáng tỏ một số vấn đề trong giáo dục”.

PGS Văn Như Cương thực hiện nghi lễ chào cờ trong Lễ khai giảng

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, người bạn vong niên của PGS Văn Như Cương đúc kết: "Thầy Văn Như Cương là một nhà sư phạm tài năng. Thầy luôn có những quan điểm mạnh mẽ cho sự phát triển nền giáo dục tiên tiến của nước nhà".

Khi Thầy bị bệnh ung thư phải đi điều trị, hơn 3.000 học sinh toàn trường đã đồng thanh cất lên ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh chúc thầy nhanh bình phục. Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin sẽ giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau khỏi bệnh. Khi thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón thầy với tiếng vỗ tay trong tiếng trống trường giòn giã.

“Với tôi, thầy Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục. Như một cây đại thụ nằm xuống, thầy ra đi để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp”- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xúc động nói.

PGS Văn Như Cương luôn có những lời dặn dò tâm huyết với học trò

PGS Văn Như Cương, sinh năm 1937 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.  Ông là nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, từng là Ủy viên Hội đồng giáo dục Quốc gia Việt Nam.

Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học năm 1971 tại Liên Xô, được phong học hàm Phó giáo sư.  Ngoài dạy học, ông còn viết gần 60 đầu sách về môn Toán, viết sách giáo khoa Toán nâng cao và giáo trình Đại học, dịch sách Toán nước ngoài ra tiếng Việt. Ông chính là người thành lập và hiệu trưởng (1989-2014) trường dân lập đầu tiên sau này trở nên nổi tiếng với chất lượng đứng hàng top ten ở Việt Nam, đó là Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội.

TS Lê Thống Nhất, Giám đốc hệ thống giáo dục Bigshool Việt Nam, một trong những học trò, đồng nghiệp Toán của PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Hạnh phúc là mình cùng quê gốc với thầy. Chất "ông đồ xứ Nghệ" vẫn mang nhiều dấu ấn trong cuộc sống của thầy qua nhiều câu chuyện lưu truyền trong xã hội. Thời đi học Thầy học giỏi cả hai môn Toán và Văn nhưng thầy đã coi Toán là xương cốt còn Văn là da thịt của cuộc sống.

PGS Văn Như Cương và các học trò

Năm 1954, thầy vào học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ sẽ làm thầy giáo dạy toán. Tốt nghiệp ra trường chỉ dạy toán một thời gian ở Hà Nội, theo tiếng gọi của Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, thầy Văn Như Cương vào xây dựng trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau đó, thầy được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ vào năm 1971, rồi quay trở về giảng dạy ở tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh.

Trong trí nhớ của TS Lê Thống Nhất, các thầy cô và sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh không chỉ biết tới thầy Văn Như Cương là một giảng viên giỏi, dạy rất dễ hiểu, thường ví von kiến thức toán với những điều trong cuộc sống mà còn mê giọng hát của thầy và trên sân bóng chuyền, thầy là một "tay đập" tuyệt vời...    

PGS Văn Như Cương có nhiều trăn trở với nền giáo dục nước nhà

Mỗi một lần khai giảng năm học, Thầy lại có những bài phát biểu ngắn gọn và một số bài đã lan truyền cả nước. Mỗi khi có những điều chưa hài lòng về giáo dục, thầy lại thẳng thắn lên tiếng với tâm huyết của mình.

Cũng theo TS Lê Thống Nhất, cho đến bây giờ, bản thân ông chỉ tiếc một điều, điều mà thầy chắc cũng không cần, đó là PGS Văn Như Cương vẫn chưa được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng các thế hệ học trò của thầy đều ngưỡng mộ thầy với danh hiệu Nhà giáo của Nhân dân.

Học sinh Trường Lương Thế Vinh nhuộm đỏ sân trường trong lễ chào cờ đầu tuần
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Tôi chưa từng là học trò của thầy Văn Như Cương. Nhưng, người thầy này để lại cho tôi (và tôi tin là với nhiều người), những giá trị đẹp mà chúng ta cần trân trọng, trong việc chỉnh đốn chính bản thân cũng như giáo dục con cháu. Đó là chữ hiếu và kỷ luật trong giáo dục. Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại. Đó là những giá trị đẹp mà chỉ có những người Việt chân chính mới để lại cho các thế hệ kế tiếp. Ông đã chứng minh: Vấn đề không phải mình là ai, mà chính là dấu chân mình để lại trên cõi đời như thế nào”.

Nhà báo Phan Đăng, Báo CAND trên Facbook cá nhân cũng viết: “Vừa mở mắt, đọc tin về một người THẦY nằm xuống. Cảm giác đầu tiên là nhoi nhói - có một cái gì đấy thực sự nhoi nhói trong lòng khi một người thầy, một giá trị đẹp trong xã hội đã không còn lan toả những năng lượng tích cực của mình ra xung quanh nữa... Vĩnh biệt một người thầy, và mong có nhiều hơn nữa những người thầy đang sống giống như thầy”.

PGS Văn Như Cương tạ thế lúc 0h27 phút ngày 9-10-2017 (20-8 Đinh Dậu) tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi. Lễ viếng được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12-10-2017 (ngày 23-8 AL) tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, Số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày. An táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển.


Huyền Thanh
.
.
.