GS Văn Như Cương: Chống tiêu cực không thể nhắc nhở, cảnh cáo chung chung

Thứ Hai, 27/06/2011, 11:07
Bức tranh về kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã rõ, những sai phạm của 11 Sở GD&ĐT các tỉnh ĐBS Cửu Long cũng bước đầu được kết luận. Nhưng điều dư luận băn khoăn là những sai phạm đó liệu có được xử lý nghiêm? Hình thức xử lý như thế nào? Làm thế nào để những kỳ thi tới không phát sinh “tiền lệ xấu” như vậy? Trao đổi với PV Báo CAND, Giáo sư Văn Như Cương thẳng thắn chia sẻ:

“Để không tái diễn tình trạng “bắt tay” chấm lỏng thi cử, để hạn chế tận gốc căn bệnh thành tích trong giáo dục, thì những kỳ thi mang tính phổ cập toàn quốc như thi tốt nghiệp THPT càng cần phải làm nhẹ nhàng. Có thể giao cho các Sở tự tổ chức thi, không cần chung đề, chung đợt, không cần chấm chéo, thi theo cụm làm gì, thậm chí có thể giao cho Hiệu trưởng các trường THPT cấp chứng chỉ, hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học sinh THPT”.

PV: Giáo sư bình luận gì về những con số xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?

Giáo sư Văn Như Cương: Ban đầu nghe thông tin, tôi cũng hơi hoảng vì thấy có tỉnh tỷ lệ cực “khủng”. Nhưng khi Bộ GD&ĐT công bố toàn cảnh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc thì thật ra không đến nỗi. Cần phải đánh giá công bằng và khách quan khi đi vào chi tiết tỷ lệ từng tỉnh, từng vùng, từng hệ.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với giáo dục phổ thông (GDPT) là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010, giáo dục thường xuyên (GDTX) là 85,47% tăng 18,76% so với năm trước. Tỷ lệ đỗ của hệ GDTX mới là điều chúng ta phải suy nghĩ, còn đối với GDPT thì việc tăng hơn 3% không có gì là quá đáng đâu.

PV: Nhưng dư luận băn khoăn rằng tỷ lệ đó có thực chất hay không?

Giáo sư Văn Như Cương: Đó mới là vấn đề cần phân tích. Nếu lấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc để quy kết chất lượng giáo dục, e là không chuẩn xác. Bởi còn rất nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục. Tỷ lệ đỗ của nhiều địa phương là chính xác, nhưng có những tỉnh đỗ cao quá mức, thì cần phải xem lại. Theo tôi, đó cũng là “hệ luỵ” của một kỳ thi được tổ chức quá rộng, quá phức tạp và tốn kém.

PV: Việc 11 tỉnh ĐBS Cửu Long bắt tay ra một “barem” môn Văn riêng, theo Giáo sư, sai phạm này cần được xử lý như thế nào?

Giáo sư Văn Như Cương: Tôi đồng ý với quyết định của Bộ GD&ĐT là không chấm lại kết quả của học sinh, để cho các em thi đại học. Nhưng thi song rồi thì phải chấm thẩm định để xem sai, đúng đến đâu chứ! Có những em “từ trượt thành đỗ” thì em đó sẽ không hoang mang và tôi tin, phần lớn những thí sinh diện này khó đỗ đại học lắm. Nên nếu chấm lại thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến quyền lợi học sinh.

Cũng cần phải làm rõ, trong việc này sai phạm của địa phương đến đâu? Bộ cũng có vi phạm chứ! Tại sao Bộ cho phép 11 tỉnh họp bàn, khi họ họp, Bộ phải biết họ họp về vấn đề gì chứ? Để đến nỗi khi một giáo viên lên tiếng thì mới ngã ngửa sự thể. Nếu không có giáo viên chấm thi lên tiếng, liệu sự việc này Bộ có biết?

PV: Vậy trong những trường hợp vi phạm quy chế như thế này, theo Giáo sư hình thức xử lý nên như thế nào?

Giáo sư Văn Như Cương: Đó mới là bài toán khó. Vì các Sở GD&ĐT không phải do Bộ chủ quản, mà trực thuộc sự quản lý của UBND các tỉnh, vậy trách nhiệm xử lý sẽ do cả UBND tỉnh quyết định. Nếu muốn làm nghiêm, răn đe mạnh, thì là sẽ không thể chỉ nhắc nhở, cảnh cáo chung chung.

PV: Như Giáo sư đã nói, cần phải làm cho kỳ thi thật nhẹ nhàng, nghĩa là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên theo xu hướng “bỏ thi”, chỉ công nhận kết quả 12 năm học là hợp xu hướng của giáo dục tiên tiến…

Giáo sư Văn Như Cương: Tôi kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT từ lâu rồi. Trường tôi 8, 9 năm liên tục đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó 43% học sinh đỗ loại khá, giỏi, thì cần gì phải đưa các em đi thi cho tốn kém. Bậc tiểu học, THCS bỏ thi tốt nghiệp từ lâu rồi, có vấn đề gì đâu. Hãy quan niệm tấm bằng tốt nghiệp chỉ như một “giấy thông hành” cho các em vào đời.

Vậy thì cần gì phải thi cụm, chấm chéo, bài thi mang hết từ tỉnh này sang tỉnh khác chấm làm gì. Rồi tai nạn giao thông ập đến với hàng chục thí sinh, một số giám thị tử vong trên đường đến hội đồng thi cũng vì tai nạn. Tất cả những điều này rất cần được Bộ GD&ĐT suy nghĩ nghiêm túc trong đề án cải tiến thi cử… Bộ nên giao quyền tự chủ cho các Sở trong việc thi tốt nghiệp THPT. Bộ chỉ nên quyết định 6 môn thi chung cho toàn quốc, còn mọi khâu tổ chức khác đều do Sở chịu trách nhiệm.

Thời điểm thi có thể khác nhau, nhưng được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Đề thi do Sở tự ra trong khuôn khổ của chuẩn chương trình đã ban hành.

PV: Từ bức tranh thi tốt nghiệp vừa qua, Giáo sư còn băn khoăn về kỳ thi quốc gia, mà dư luận còn gọi là kỳ thi “2 trong 1”? Nếu tỉ lệ tốt nghiệp cao như thế này chúng ta có nên bàn tới kỳ thi quốc gia nữa không?

Giáo sư Văn Như Cương: Bây giờ Bộ mà nhắc đến kỳ thi quốc gia để vừa lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học cao đẳng thì thật lạc lõng. Đề án này mới nên coi là “phá sản”. Mà không triển khai nữa, thì Bộ cũng nên công bố rõ ràng cho dư luận biết chứ!

Ngày 26/6, trao đổi với PV Báo CAND, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng thẳng thắn cho biết: Hành động “bắt tay nhau” của 11 tỉnh Đồng bằng sông (ĐBS) Cửu Long là phạm pháp, tạo một tiền lệ rất xấu trong giáo dục, nếu các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên cũng tự ý cho ra một “thang điểm” riêng như vậy thì còn gì là kỷ cương giáo dục, còn gì là công bằng trong thi cử? Bộ GD&ĐT phải sớm tìm hiểu xem ai là người đề xuất và chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo “hạ barem điểm” ở 11 địa phương này?

 

Họ là những người chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT, trước Nhà nước và nhân dân để tổ chức thi cử mà coi thường kỷ cương như vậy thì không thể chấp nhận được. Cần phải xử lý thật nghiêm, nhẹ thì có thể cách chức, nếu vi phạm nghiêm trọng hơn thì phải xử lý bằng pháp luật.

T.P.

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.