Vì sao học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử?
- Tích hợp Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là tùy tiện và thiếu cơ sở / Vai trò của việc dạy và học lịch sử trong giáo dục Việt Nam3
Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết đều không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng nhớ sai. Thực tế trên khiến nhiều người lo ngại về tình trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, dường như đang có những dấu hiệu “xuống cấp” nghiêm trọng. Vì sao vậy?
Lịch sử là môn học có ưu thế nhất trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: CTV |
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tình trạng “xuống cấp” môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa (SGK) nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên cao hơn nữa là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. Ngoài ra còn có những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn Lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học lịch sử, học sử không có tiền đồ, khó kiếm việc làm. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, học sinh phần lớn “quay lưng” lại với SGK, cách dạy và học môn Lịch sử chứ không phải quay lưng lại với lịch sử. Bằng chứng là một số cuộc thi tìm hiểu lịch sử với đề tài mở rộng cho sự tìm tòi, khám phá trong thời gian gần đây cho thấy, thế hệ trẻ đã hăng hái tham gia với nhiều bài làm đạt chất lượng tốt.
Các cuộc triển lãm bản đồ, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong 2 năm gần đây lúc nào cũng thu hút đông đảo học sinh tham gia, trong đó có nhiều em đã ghi vào sổ cảm tưởng những dòng cảm xúc chứa chan tình yêu Tổ quốc... “Thực tế trên cho thấy, muốn khôi phục chất lượng của giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông từ nhận thức, vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, SGK và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cả cách dạy, cách học và cách thi”- GS Phan Huy Lê đặt vấn đề.
Phân tích sâu vào những yêu cầu cần đổi mới môn Lịch sử, đặc biệt là chương trình SGK và việc dạy, học môn Lịch sử, Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng biên soạn lại bộ SGK Lịch sử phổ thông với phương pháp tư duy khoa học bằng cách khái quát các sự kiện lịch sử hình thành những mốc son lớn cho dễ nhớ, dễ hiểu, trọng tâm là đi sâu khai thác và làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử thành bài học để bồi dưỡng nhân cách, kích thích tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới phương pháp dạy-học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử ngang tầm với yêu cầu mới.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo giáo viên, TS. Tưởng Phi Ngọ, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh lại cho rằng: Nguyên nhân chính trong những năm gần đây khiến học sinh không thích học môn Lịch sử chủ yếu xuất phát từ tính thực dụng của học sinh. Thực tế cho thấy, ngay từ khi bước vào bậc THPT, học sinh đồng thời đã chuẩn bị cho cuộc “chạy đua” vào đại học và trong cuộc đua này, nhiều em không muốn học Sử, là do các em muốn vào những ngành có nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường dễ xin việc, lương cao hơn, các em phải chọn thi các khối A, B, C. Như vậy, so với 3 khối thi trên, khối C thiếu hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, trong khối này, môn Văn được nhiều em chú trọng để dự thi cả ngành khối D, còn các môn Sử, Địa ít được quan tâm nhất. Trong khi đó, đa số các em hướng vào khối A, B, D nên việc học Sử, Địa của các em này chủ yếu dùng riêng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không dùng cho tuyển sinh đại học, trong khi các môn Toán, Văn, Lý, Hóa, Ngoại ngữ dùng cho cả hai kỳ thi. Do đó, việc học và thi môn Sử bị coi là “lãng phí sức lực và thời gian”, trở thành yếu tố “cản trở” trên đường đua vào đại học.
“Vì sao khoảng chục năm gần đây trở về trước, không có tình trạng nhiều học sinh chán Sử như những năm gần đây? Là vì dưới thời bao cấp và nhiều năm sau đổi mới, đất nước ta còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều thành tựu kinh tế lớn, nên thực tế này chưa tác động lớn đến khối thi đại học của thí sinh. Nhưng khi quan hệ đối ngoại rộng mở dẫn đến nhiều đổi thay lớn, kinh tế phát triển, ngành nghề đa dạng... khiến xã hội cần nguồn nhân lực được đào tạo từ các ngành tuyển sinh các khối A, B, D hơn nhiều lần so với khối C. Mức lương cũng chênh lệch rõ rệt. Thực tế này khiến học sinh muốn làm việc các ngành có mức lương cao, dễ kiếm việc làm nên thường chọn khối A, B, D, tránh khối C”- TS. Tưởng Phi Ngọ phân tích.
Cũng theo lập luận của TS. Tưởng Phi Ngọ, việc học sinh không muốn học Lịch sử chủ yếu để muốn tập trung thời gian vào học các môn có lợi cho các em về kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước khi mà hiện nay chúng ta đang sống trong hòa bình, song hòa bình không phải là một giá trị bền vững tuyệt đối. Nền hòa bình của chúng ta vẫn đang bị đe dọa. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Internet với các luồng quan điểm phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu chế độ đang diễn ra mạnh mẽ từng ngày. Nếu được trang bị kiến thức lịch sử đúng, thì học sinh sẽ vững vàng, có nhận thức đầy đủ để bác bỏ các quan điểm sai trái. Ngược lại, sẽ dễ phát sinh những hậu quả khôn lường...
Do đó, rất cần Bộ GD&ĐT điều tiết. “Giống như đứa trẻ trong gia đình chỉ ăn thịt mà không ăn rau, tiềm ẩn những căn bệnh nguy hiểm khiến bố mẹ lo lắng, Bộ GD&ĐT nên điều tiết bằng cách sắp xếp Lịch sử vào hệ thống các môn bắt buộc, còn những nhược điểm về chương trình, SGK, phương pháp dạy và học lịch sử sẽ được giải quyết ở “khu vực” khác. Cần thiết phải làm như thế vì nhà trường phổ thông Việt Nam luôn chú trọng giáo dục lòng yêu nước cho học sinh và môn Lịch sử là môn học có ưu thế trong việc này”- TS Tưởng Phi Ngọ đề xuất.