Tích hợp Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là tùy tiện và thiếu cơ sở

Chủ Nhật, 15/11/2015, 17:40
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã bày tỏ sự lo lắng về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể của Bộ GD&ĐT đã “khai tử” và “xóa bỏ” môn Lịch sử, một môn học vốn rất được rất coi trọng ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”. Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã bày tỏ sự lo lắng về dự thảo chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD&ĐT đã “khai tử” và “xóa bỏ” môn Lịch sử, một môn học vốn rất được rất coi trọng ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Đồng thời lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Bộ GD&ĐT phải coi Lịch sử là môn học bắt buộc và môn độc lập trong chương trình GDPT.

Hội thảo“Môn Lịch sử trong chương trình phổ thông” tại Hà Nội ngày 15/11.

Tích hợp Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là tùy tiện và thiếu cơ sở

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, hầu hết các nhà nghiên cứu Lịch sử, các GS, PGS hiện công tác tại các Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp và các trường đại học trên toàn quốc đều cho rằng: Tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Do đó, việc dự thảo chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi tích hợp môn Lịch sử trong môn “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 và trong môn “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4, 5 ở bậc Tiểu học là một xu hướng mới, tiến bộ, có cơ sở khoa học và cần nghiên cứu để tùy theo lứa tuổi, chọn một số kiến thức lịch sử dễ hiểu, nặng về kể chuyện để đưa vào các môn tích hợp.

Tuy nhiên, lên cấp Trung học cơ sở, môn Lịch sử lại tiếp tục tích hợp trong môn “Khoa học Xã hội” rồi môn “Công dân với Tổ quốc” ở cấp Trung học phổ thông  là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học. Đặc biệt, việc biến môn Lịch sử trở thành một phân môn trong môn học mới là Công dân với Tổ quốc là một bất cập. Bởi với cách sắp xếp mới này, môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” trong chương trình GDPT với tư cách là một môn học độc lập. Đây là một thách thức lớn chưa từng có tiền lệ đối với “số phận” của môn Lịch sử và đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Đa phần các quốc gia đều xem Lịch sử là môn học độc lập, bắt buộc ở cấp Tiểu học và THCS. (ảnh minh họa)

Phân tích cụ thể hơn về sự lắp ghép tùy tiện và thiếu cơ sở khoa học và thiếu tính khả thi của môn học “tổng hợp” mới này, GS.TS Trần Thị Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Về phương diện khoa học, 3 môn học Giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử và giáo dục Quốc phòng-an ninh có đối tượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc biến môn Lịch sử thành thành một phân môn trong môn học Công dân với Tổ quốc sẽ phá vỡ môn Lịch sử và sự lắp ghép hoàn toàn mang tính cơ học này chắc chắn sẽ khiến sự hiểu biết của học sinh về lịch sử thiếu tính hệ thống và căn bản.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Ngô Minh Oanh và nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Giáo dục, đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Từ kết quả nghiên cứu về tổng quan chương trình GDPT tổng thể của 2 nước châu Mỹ, 25 nước Châu Âu và 5 nước Châu Á cho thấy, đa phần các quốc gia đều xem Lịch sử là môn học độc lập, bắt buộc ở cấp Tiểu học và THCS.

Ở cấp THPT, nhiều nước Châu Âu coi môn Lịch sử là bắt buộc, ở một số quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... vừa bắt buộc, vừa tự chọn, trong đó nội dung bắt buộc là lịch sử dân tộc, còn tự chọn là phần lịch sử thế giới.. Do vậy, việc xé lẻ kiến thức lịch sử để đưa vào môn học Công dân với Tổ quốc là không hợp lý, thậm chí chỉ có ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ trong khu vực và trên thế giới.

“Xóa sổ” môn Lịch sử với tư cách là một môn khoa học độc lập trong chương trình phổ thông sẽ gây ra những hậu quả khó lường. (Ảnh minh họa).

Lịch sử phải là môn học độc lập, cơ bản và bắt buộc

Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam bày tỏ lo lắng: Nếu môn Lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, làm cho đội ngũ người thầy không muốn dạy lịch sử và học sinh cũng không muốn học môn lịch sử và khi đó thì lịch sử dân tộc sẽ ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm cả tiền nhân và hậu thế về sự thật lịch sử này? Đến một lúc nào đó chính thế hệ được giáo dục bằng dự thảo chương trình này sẽ quay lưng lại với tổ tiên và ông cha ta, sẽ quay lưng lại với quốc gia dân tộc. Đó là hậu quả khôn lường...

Lịch sử phải là môn học bắt buộc và môn độc lập trong chương trình GDPT.

GS. Vũ Dương Ninh, đại học Quốc gia Hà Nội cũng bày tỏ bức xúc và lo ngại khi cho rằng: Môn Lịch sử có số phận rất long đong khi bị coi nhẹ ở phổ thông. Cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp” môn Lịch sử đã biến mất khỏi chương trình khi nó được vận dụng vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, môn Lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc là môn học có lợi thế nhất để tạo nên con người đó là người Việt Nam, khác với người Hàn Quốc, Trung Quốc hay một nước Châu Âu nào đó. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đều coi trọng môn Lịch sử trong giáo dục con người cũng vì ý nghĩa đó...

Kết luận tại cuộc hội thảo, GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Trên cơ sở Hội thảo này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học độc lập, cơ bản và bắt buộc từ THCS đến THPT...".

GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Việc xóa bỏ một môn học như vậy là tạo nên những lỗ hổng, những khoảng trống rất nguy hiểm cho nền giáo dục phổ thông, ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân, những nguồn lực xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khi mà trong lao động hòa bình phải luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.


GS.TS Trần Thị Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội: Bên cạnh đó, khi môn học Công dân với Tổ quốc hình thành, ai sẽ là người dạy nó khi mà hệ thống các trường sư phạm của Việt Nam và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn lắp ghép những kiến thức mang tính chất “cưỡng duyên” như thế. Vấn đề tiếp theo là việc biên soạn tài liệu giảng dạy, học tập cho môn “tổng hợp” Công dân với tổ quốc hoàn toàn không thể thực hiện được bởi rất khó có thể tổng hợp 3 môn học có mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau để xây dựng thành một môn học mới.

Huyền Thanh
.
.
.