Tuyển sinh đại học năm 2020: Thêm nhiều ngành học mới để “hút” thí sinh?

Thứ Năm, 16/01/2020, 09:50
Theo phương án tuyển sinh dự kiến mà các trường đại học (ĐH) vừa công bố, năm 2020, rất nhiều trường đã chủ trương mở thêm các ngành học mới để “đón đầu” nhu cầu nguồn nhân lực. Trong đó, nhóm ngành được các trường ưu tiên mở nhiều nhất hầu hết đều hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dự báo xã hội hiện đại sẽ rất cần.


Các chuyên gia cho rằng, việc trường ĐH “đua nhau” mở ngành học mới là cơ hội tốt cho thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các cơ sở giáo dục ĐH đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo để việc đào tạo đạt chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp hay mới dừng ở việc “bùng nổ” ngành học để thu hút thí sinh?

Các trường ĐH mở nhiều ngành học mới đón đầu xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh minh họa)

Đón đầu xu hướng nghề nghiệp, năm 2020, ĐHQG Hà Nội dự kiến mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giải quyết các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Kỹ thuật Robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, CNTT định hướng thị trường Nhật Bản; Công nghệ kỹ thuật hạt nhân; Khoa học thông tin đa không gian… 

Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới là Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, đặc biệt những ngành như quản trị du lịch, logistics trong thời gian tới dự báo sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này. 

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh 5 ngành mới, gồm Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng. ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng tuyển sinh thêm một số ngành đào tạo mới theo hướng đón đầu nhu cầu thị trường như Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quản lý dự án. Riêng hai ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Định phí Bảo hiểm & Quản trị rủi ro được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng mở 4 chương trình đào tạo chất lượng cao như Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Hệ thống nhúng thông minh và IOT; Kỹ thuật thực phẩm, Hóa dược. Trường ĐH Lâm nghiệp lần đầu tiên mở ngành Du lịch sinh thái, đây là cơ sở ĐH đầu tiên của Việt Nam đào tạo mã ngành này.

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh có 4 ngành mới khá hấp dẫn là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm y học và Ngôn ngữ Trung Quốc. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh mở thêm 2 ngành mới là ngành Luật và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Ngôn ngữ Hàn Quốc. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên đưa ra khái niệm “ngành xuyên ngành”, vì có sự phối hợp của ba khoa là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Ngoài ra, trường còn mở thêm 4 ngành mới, trong đó có một ngành khá lạ là “Robot và trí tuệ nhân tạo”. 

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm kỹ thuật phần mềm; mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; quan hệ quốc tế và kinh doanh quốc tế. 

Còn theo phương án tuyển sinh năm 2020 mà Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh vừa công bố, trường dự kiến sẽ mở thêm 5 ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao bao gồm kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, chuyên ngành kỹ thuật robot, khoa học máy tính. 

Lần đầu tiên, ngành Golf xuất hiện trong mùa tuyển sinh tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây cũng là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo mã ngành này. 

Bên cạnh đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn mở hàng loạt ngành học mới ở bậc ĐH, gồm: Marketing, Kế toán - chuyên ngành kế toán quốc tế. Đồng thời, trường cũng mở 9 ngành thuộc chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc các trường ĐH mở thêm các ngành học mới đáp ứng nhu cầu của người học và mở rộng nhiều hình thức tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng như cơ hội việc làm ở những ngành học mới. 

Nhưng mặt khác cũng cho thấy các trường đang lo lắng về thiếu nguồn tuyển do sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường ĐH với hệ thống các trường nghề, giữa giáo dục ĐH trong nước và nước ngoài. 

TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Việc các trường mở thêm các ngành mới là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các trường đang đi đúng hướng - đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn. 

Phân tích sâu hơn về cơ hội của thí sinh khi lựa chọn các ngành học mới theo hướng chuyên ngành hẹp, ông Phạm Mạnh Hà cho biết: “Nếu chọn lĩnh vực hẹp mà các bạn học sinh đã tìm hiểu kỹ cũng như có đam mê thực sự thì sau khi ra trường có cơ hội việc làm rất cao. Ngành càng hẹp bao nhiêu thì cơ hội xin việc làm càng dễ bấy nhiêu. Ngược lại, ngành càng rộng thì nhiều người học ngành khác vẫn làm được vì thế cơ hội cạnh tranh việc làm sẽ lớn hơn”. 

Tuy vậy, TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý: “Nếu các em tìm hiểu kỹ và có năng lực thật sự, đáp ứng yêu cầu của các chuyên ngành hẹp thì hãy lựa chọn nó và hãy học tập tốt, lúc ra trường cơ hội việc làm sẽ rất lớn. Chỉ sợ một điều, thí sinh chọn ngành hẹp mà không hiểu về nó, chọn theo kiểu chạy theo đám đông, theo phong trào thì sẽ rất nguy hiểm”.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng: Với những ngành mới, cơ hội và thách thức thường chia đều và ngang nhau. Thuận lợi của những ngành học mới này về cơ hội việc làm thì đã rõ nhưng điều dễ thấy là những ngành mới này chất lượng đào tạo có thể sẽ không được đảm bảo như những ngành truyền thống đã được đào tạo lâu năm. Chẳng hạn như đội ngũ giảng viên chưa được kiểm chứng nhiều qua thực tế, cơ sở vật chất chưa được chuẩn bị thật đầy đủ, kinh nghiệm quản lý cũng chưa có nhiều. Những yếu tố này có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn cho người học nên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Huyền Thanh
.
.
.