Tư vấn tuyển sinh cho hàng ngàn học sinh tại TP Hồ Chí Minh
- Hơn 4.000 học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
- Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho gần 3.000 học sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng có mặt tại ngày hội, cho biết: “Đây sẽ là cơ hội để các thí sinh có những thông tin bổ ích liên quan đến ngành nghề, được tư vấn, hướng nghiệp, định hình ngành nghề tương lai và cả cách thức ôn tập hiệu quả, thông qua đó có những bước chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia tới”.
Có 163 gian tư vấn của gần 100 trường ĐH-CĐ, Trung cấp, trường nghề tham gia vào ngày hội, thu hút đông đảo các bậc PH, HS quan tâm, tìm hiểu những thông tin liên quan đến ngành nghề.
Học sinh gửi câu hỏi tới Ban tư vấn. |
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã tổ chức hai khu vực tư vấn chuyên sâu để giải đáp, tư vấn cho các em HS muốn tìm hiểu về nhóm ngành, các trường ở lĩnh vực Khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, Luật, Y dược, Công an, Quân đội... với sự tham gia của nhiều Chuyên gia giáo dục, như: PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GD&ĐT, Thiếu tá Nguyễn Văn Trường - Phó đội trưởng đội đào tạo, Phòng tổ chức cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh và và nhiều đại diện Phòng đào tạo của các trường ĐH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới và thay đổi trong tổ chức các cụm thi tại các tỉnh, và khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ… do đó, rất nhiều những câu hỏi của các em HS gửi tới Ban tổ chức đã xoay quanh các vấn đề như thời gian nộp hồ sơ, thủ tục mua hồ sơ, thời gian sơ tuyển khi thi vào trường Công an, Quân đội; có điểm sàn chung cho xét tuyển ĐH không; những năm tới, những ngành nghề gì sẽ phát triển, ngành nào có thu nhập cao, dễ tìm việc làm…
Học sinh được chia sẻ các thông tin tại các gian tư vấn của ngày hội. |
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh nhận định, theo yêu cầu thực tế về chất lượng nhân lực, thời gian tới, Việt Nam sẽ rất cần người lao động có những kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp.
Do đó, không phải cứ học đại học là ra trường tham gia vào nhóm ngành nghề lao động cao, không phải cứ học giỏi là ra trường làm được việc. Việt Nam có rất nhiều Cử nhân kinh tế nhưng vẫn thiếu người làm kinh tế giỏi. Vì vậy HS cần trau dồi kỹ năng sống, cần học cho tốt những kỹ năng cần thiết của ngành nghề đó.