ĐH Bách khoa Hà Nội lọt “TOP 300” trường tại các nước có nền kinh tế mới nổi

Thứ Tư, 19/02/2020, 10:02
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội xuất hiện trong “TOP 300” bảng xếp hạng các trường đại học tại các nước có nền kinh tế mới nổi của THE (THE Emerging Economies University Rankings) – một bảng xếp hạng danh giá toàn cầu. 

 


Bảng xếp hạng uy tín của THE được công bố vào ngày 18/2 Danh sách xếp hạng hàng năm bao gồm các trường đại học đến từ các nước có nền kinh tế mới nổi, được FTSE phân mục thành “nền kinh tế mới nổi loại 1”, “nền kinh tế mới nổi loại 2” và “nền kinh tế cận biên”. 

Bảng xếp hạng năm 2020 được mở rộng với 533 trường, trải dài trên 47 đất nước của 4 châu lục (nhiều hơn so với 442 trường từ 43 nước của danh sách năm trước).

Giờ thực hành thí nghiệm bộ môn Công nghệ Y sinh Viện Điện tử viễn thông của Trường ĐHBK Hà Nội.

Bảng xếp hạng này sử dụng các chỉ số tương tự trong Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới của THE, tập trung chủ yếu vào các khía cạnh giảng dạynghiên cứuchuyển giao tri thức  hình ảnh quốc tế”

Tuy nhiên, những tiêu chí này được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu ưu tiên phát triển của các trường đại học từ các nền kinh tế mới nổi. Theo xếp hạng của THE, Trường ĐHBK Hà Nội đứng đầu về chỉ số ảnh hưởng nghiên cứu (chỉ số trích dẫn khoa học). Đây là một trong 13 tiêu chí của Bảng xếp hạng THE.

Các tiến sĩ trẻ của Viện nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA) đang thử nghiệm điều khiển thiết bị bay thông minh bằng giọng nói.

Kết quả này là sự tiếp nối những thành công về thứ hạng của Trường ĐHBK Hà Nội được công bố trong năm vừa qua. Cụ thể là vị trí trong “TOP 1.000” trường đại học tốt nhất thế giới và “TOP 400” các trường đại học về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (theo các bảng xếp hạng do THE thực hiện và công bố). Trường ĐHBK Hà Nội có 10.279 trích dẫn của công trình trong 3 năm (2017-2019) trên Scopus.

Trong danh sách năm nay có 3 trường Việt Nam được xếp hạng, đây là thành công lớn của hệ thống giáo dục đại học trong nước, mặc dù Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nền kinh tế cận biên (theo đánh giá của FTSE), trước đây chưa có trường đại học nào của Việt Nam từng lọt vào bảng xếp hạng này.

Bảng xếp hạng của Times Higher Education lần đầu tiên được công bố vào năm 2004, đưa ra danh sách xác thực bao gồm những trường đại học tốt nhất thế giới. Các số liệu của các bảng xếp hạng này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thông tin bổ ích cho học sinh, sinh viên, giúp các em đưa ra các quyết định và lựa chọn đúng đắn cho con đường tương lai.


Thu Phương
.
.
.