3 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng danh giá thế giới

Thứ Năm, 12/09/2019, 09:32
Lần đầu tiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội lọt vào top 801-1000, cùng với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vào top 1000+ của bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất thế giới THE WUR (Times Higher Education World University Ranking).


Thông tin này đã được Times Higher Education (THE) - một trong những bảng xếp hạng độc lập và có uy tín nhất thế giới công bố sáng 12-9. 

THE WUR đánh giá các trường đại học dựa trên 13 chỉ số chia làm 5 nhóm: Đào tạo (chất lượng môi trường học tập và giảng dạy): 30%; Nghiên cứu (năng suất, thu nhập và danh tiếng): 30%; Trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu): 30%; Hiện diện quốc tế (thu hút giảng viên, sinh viên và hợp tác nghiên cứu quốc tế) 7,5%N và Nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (Hiệu quả chuyển giao tri ​​thức): 2,5%.

Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp.

Còn Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2019 có 3 lĩnh vực được QS xếp hạng 401-550 quốc tế là Điện-Điện tử, Cơ khí và Hàng không, Công nghệ thông tin.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tăng cường nghiên cứu khoa học và thảo luận nhóm

Đánh giá về bảng xếp hạng THE WUR, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nhận định: “Hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích nghiên cứu mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo và tác động xã hội. 

Trong bảng xếp hạng của THE thì các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%, ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%), tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu.

Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%. 

Trong khi đó, những chỉ số phản ánh sát thực nhất chất lượng đào tạo như mức độ nỗ lực của người học, mức độ hài lòng của người học, tỉ lệ việc làm của người tốt nghiệp, mức độ gia tăng thu nhập khi tốt nghiệp thì chưa thấy bảng xếp hạng uy tín nào đề cập tới. Đó cũng là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm khi xây dựng chiến lược phát triển, cần phải quan tâm tới cả 3 nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng”.

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. PGS Hoàng Minh Sơn còn cho biết, thật vui mừng vì ngày càng có nhiều trường Đại học của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế. 

Như vậy mục tiêu có 4 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới theo Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt) đã đạt được sớm 6 năm. Trong thời gian tới, các trường đại học trong nước cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, thay vì cho đến nay chỉ chú trọng hợp tác quốc tế.

Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên viết tên trong bảng xếp hạng THE danh giá

Sau sự kiện này, uy tín và vị thế trong khu vực và trên thế giới của 3 trường vừa lọt bảng xếp hạng sẽ tăng lên, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam. “Uy tín khoa học rất quan trọng, tác động tích cực nhiều mặt tới đào tạo và nghiên cứu. Ngay trong công tác tuyển sinh, chúng tôi sẽ tuyển được nhiều học sinh giỏi hơn, điều đó rất tốt cho xã hội. Đối với quốc tế, chúng tôi sẽ mời được nhiều giảng viên nước ngoài đến cùng hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, PGS Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Hoàng Minh Sơn, để lọt được vào bảng xếp hạng danh giá này là một sự nỗ lực vượt bậc của nhiều thế hệ, nhưng để giữ vững vị trí và thăng hạng là rất khó khăn. Nếu so sánh về mức độ đầu tư thì Việt Nam đầu tư cho các trường đại học còn rất khiêm tốn, so với sự đầu tư vào các trường ở nhiều nước tiên tiến, là cuộc đua thiếu cân sức. Vì vậy, muốn giáo dục đại học Việt Nam có vị trí cao hơn, có thêm nhiều trường đại học đẳng cấp, thì sự đầu tư của Nhà nước phải rất mạnh.

"Nếu chúng ta chỉ ngồi và mong muốn, đợi các trường tự thân vận động thì rất khó. Trong Luật Giáo dục đại học mới cũng đã đề cập đến sự đầu tư của Nhà nước, đầu tư theo nhiệm vụ, nhưng các trường đại học đều mong muốn những chính sách được cụ thể hóa thành cơ chế cụ thể. 

Xây dựng cơ chế còn để giao nhiệm vụ, đầu tư cho các trường, đặc biệt là những trường tự chủ nguồn lực sẽ tập trung hơn. Và phải sớm có bộ chuẩn để đánh giá, đánh giá theo từng lĩnh vực”, PGS Hoàng Minh Sơn đề xuất…

Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng nhóm 801-1000 thuộc bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, đứng thứ 124 trong Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS.

Tại bảng xếp hạng Webometrics (về xây dựng đại học số hóa), Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tiếp cận tốp 1.000 trường thế giới và đứng đầu trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều ngành đào tạo thuộc tốp 1.000 thế giới thuộc bảng xếp hạng QS. Riêng đối với lĩnh vực Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đại học duy nhất ở Việt Nam được US NEWS xếp hạng và đứng thứ 502 thế giới.
Thu Phương
.
.
.