Tôn vinh 48 thầy cô giáo tiêu biểu, hết lòng vì trẻ khuyết tật
- Nhánh hoa rừng tặng thầy cô giáo bám bản
- Thầy cô giáo, sinh viên hiến hơn 1.000 đơn vị máu
- “Nhịp cảm xúc”- cuộc hội tụ mỹ thuật của các thầy cô giáo
Chương trình năm nay tuyên dương các giáo viên đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến dự và phát biểu động viên các thầy cô.
48 thầy cô đến từ nhiều vùng miền trên cả nước là những tấm gương tiêu biểu trong dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật.
Tại buổi lễ, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật đã chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn trong việc dạy học học sinh khuyết tật. Theo các thầy cô giáo, khó khăn lớn nhất không phải là việc hàng ngày kiên trì dạy bảo các em mà là việc thiếu các phương tiện dành cho giáo dục trẻ khuyết tật, cụ thể như sách giáo khoa dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, cập nhật chậm so với sách giáo khoa phổ thông đã gây khó khăn trong đào tạo trẻ khuyết tật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen cho các thầy cô giáo tiêu biểu, hết lòng vì trẻ khuyết tật. |
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật cũng mong muốn nhận được chế độ chính sách tốt hơn của Nhà nước để họ yên tâm gắn bó với công việc. Đặc biệt, gắn bó với học sinh khuyết tật, các thầy cô luôn mong mỏi các em được hòa nhập với cộng đồng, không phải trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, các thầy cô giáo rất trăn trở với đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh khuyết tật.
Nhiều thầy cô giáo cho rằng, tình trạng đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn vẫn đang diễn ra hay sự kỳ thị của nhiều doanh nghiệp với người khuyết tật đã tước đi cơ hội được làm việc, kiếm tiền tự nuôi sống bản thân của các em.
Câu chuyện về thầy Võ Duy Quang (27 tuổi, giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng) đã khiến những người có mặt trong buổi lễ bùi ngùi, xúc động. Không may mắn khi bị khiếm thính từ nhỏ, hành trình để thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo của thầy đong đầy mồ hôi và nước mắt.
Với niềm tin mãnh liệt "Ngọn nến nào cũng có thể thắp sáng, dù thẳng hay cong", thầy Quang đã không cho phép mình bỏ cuộc dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Cuối cùng, "người lái đò" đặc biệt của Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng đã chọn nghề giáo thay vì đam mê thiết kế thời trang để có thể dạy dỗ cho các em khuyết tật ngay tại chính ngôi trường mà mình đã từng trưởng thành.
Trăn trở của thầy Võ Duy Quang là hiện nay vẫn chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ngoài bậc tiểu học, các em cũng không có các cấp học cao hơn để tiếp tục học tập, rèn luyện.
Cô giáo Phạm Thị Thu Thanh, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn nghề giáo, đặc biệt được dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt. Dù cho ngày này 10 năm trước, cô đã khóc nấc khi cầm trên tay quyết định về công tác tại mái trường Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí giấu bố mẹ vì sợ gia đình lo lắng. Chính tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên trở thành người có ích của các học trò khiếm thị là động lực để cô không từ bỏ công việc. Bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, cô Thanh và nhiều giáo viên khác đã tiếp thêm nghị lực để các học trò chưa may mắn thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước...
Khi được hỏi về ước muốn lớn nhất của mình, thầy Nguyễn Thái Dương- giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đăk Lăk nói rằng: Thầy chỉ mong sẽ có thêm những chính sách để hỗ trợ trẻ khuyết tật được học tập, hòa nhập tốt hơn, các em có thể kiếm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh 48 thầy cô dạy học sinh khuyết tật, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xúc động: "Sự hy sinh của các thầy cô, dù nói bao nhiêu cũng không đủ. Ngoài nghị lực, sự kiện trì còn là tấm lòng hết sức bao la...Tất cả những tấm gương của thầy cô là sự nhắc nhở với cá nhân tôi và những người khác, là còn rất nhiều người thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn luôn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thầy cô là người khuyết tật đã làm được những việc mà người bình thường chưa thể làm được”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay, nhiều trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật đã được xây dựng, cùng với đó, nhiều trường phổ thông trên cả nước đã đón nhận trẻ khuyết tật vào học hòa nhập. Nhiều thầy, cô giáo tuy còn rất trẻ nhưng đã quyết định lựa chọn ngã rẽ gian nan là dạy học và đồng hành cùng trẻ khuyết tật. Tuy vậy, tỉ lệ trẻ em khuyết tật của nước ta được đến trường học tập vẫn còn quá thấp so với nhu cầu. Vì vậy, thời gian tới cần khuyến khích các trường phổ thông đón học sinh khuyết tật vào học hòa nhập, tạo thành phong trào sâu rộng.
Với nhiều bạn sinh viên tham dự chương trình, Phó Thủ tướng nhắn nhủ mỗi người cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, cùng cộng đồng, xã hội, làm những việc có ý nghĩa đóng góp vào phong trào “Tôi yêu tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.