Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Cấu trúc đề thi quen thuộc, không đánh đố học sinh

Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:59
Sáng 12/6, hơn 93.000 học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 với 2 môn thi Ngữ văn và Ngoại ngữ. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi môn Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc của những năm gần đây.


Tức là đề thi không đánh đố học sinh. Tuy nhiên, cấu trúc quá quen thuộc cũng sẽ khiến đề thi thiếu vắng đi sự bất ngờ, vốn là điều được chờ đợi ở mỗi kỳ thi.

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho biết: Đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 phần như mọi năm với việc đọc hiểu 2 loại văn bản và tích hợp yêu cầu viết tương ứng. Số lượng câu hỏi giảm đi phù hợp với thời gian làm bài thi được rút ngắn từ 120 phút xuống còn 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài. Về ngữ liệu, cũng giống như các năm gần đây, ngữ liệu vẫn sử dụng trong SGK Ngữ văn 9, trải đều cả hai học kì. Đề thi có độ phân hoá khá tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. 

Học sinh Hà Nội trong ngày đầu tiên thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Ảnh: Phong Sơn

Nhận định cụ thể về từng phần của đề thi, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn của hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Phần I (6,0 điểm) trích đoạn bài thơ “Đồng chí” quen thuộc, là một trong những văn bản quan trọng của chương trình, càng quan trọng hơn ở tính thời sự khi tình đồng chí cần được mở rộng quan niệm, phát huy giá trị trong những ngày cả nước đang căng mình “chống dịch như chống giặc”. 

Ở phần II (4,0 điểm), ngữ liệu chọn lọc khá hay. Câu hỏi 1 gắn với nội dung câu chuyện ở trên nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người từ đó sẽ có thêm lí lẽ và dẫn chứng để thực hiện câu hỏi thứ 2. Hơn thế, câu hỏi 2 đã đặt ra một vấn đề rất ý nghĩa. Từ việc định nghĩa tri thức, làm rõ được ý nghĩa của điều này trong việc xác lập giá trị con người, thí sinh có thể nghĩ thêm về những cách thức để củng cố, bổ sung, làm giàu thêm cho vốn tri thức của bản thân và đem vốn tri thức ấy phục vụ có ích cho nhân sinh. Vấn đề “rèn đức” bên cạnh “luyện tài” không mới, nhưng trình bày khéo léo thông qua cách đặt vấn đề sâu sắc, khơi gợi được định hướng giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất đang được đẩy mạnh; đó chính là điểm sáng đáng ghi nhận của yêu cầu đề.

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm, điểm khác biệt chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống. Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. 

Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5-7 điểm. Mặc dù nhấn mạnh một số ưu điểm của đề thi như phân hoá khá và không đánh đố học sinh song TS.Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), lại cho rằng, do cấu trúc đề thi quá quen thuộc nên thiếu vắng đi sự mới mẻ, bất ngờ. 

“Sau mỗi ngữ liệu đọc hiểu là yêu cầu viết một đoạn văn, cấu trúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong hàng chục năm sẽ tạo tâm lý học tủ từ kiến thức tới kỹ năng khi ôn luyện, nhất là giảm thiểu cảm giác hồi hộp đợi chờ luôn thú vị trước mỗi kỳ thi, hạn chế cảm hứng sáng tạo cho học trò”- cô Tuyết nêu ý kiến.

Nhận xét về đề thi môn Tiếng Anh, các giáo viên cho rằng: Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9 với mức độ khá nhẹ nhàng, thí sinh chỉ cần vững kiến thức căn bản là hoàn toàn có thể đạt điểm số tối đa. 

Cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết: Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh năm nay được giữ nguyên, về độ dài giảm 10 câu so với đề năm ngoái do thời gian làm bài thi giảm từ 60 phút xuống còn 45 phút. Khối lượng đơn vị kiến thức nằm gọn trong chương trình Tiếng Anh 8 và 9, từ mới và các chủ đề từ mới gần như hoàn toàn trong chương trình Tiếng Anh 9. Phổ điểm mà các em có thể nhận được nằm trong khoảng từ từ 6,5- 7,5 điểm.

Huyền Thanh
.
.
.