Thi đánh giá năng lực, thí sinh cần lưu ý gì?

Thứ Bảy, 13/03/2021, 12:38
Năm 2021, cùng với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội cũng đã “khởi động” lại kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh vào đại học. 

Mặc dù kết quả thi ĐGNL được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển, độc lập với các phương án khác song do đây là kỳ thi có quy mô lớn, nhiều trường đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh nên nội dung đề thi như thế nào? Làm gì để đạt kết quả cao đang được nhiều học sinh trên cả nước quan tâm.

Hơn 80.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực

Năm 2021, ngoài 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế, ĐHQG Hà Nội còn xét tuyển thí sinh có kết quả thi ĐGNL do Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội tổ chức đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính, với tổng thời gian là 195 phút, tổng điểm bài thi là 150 điểm.

ĐHQG Hà Nội sẽ công bố bài thi mẫu trước ngày 15/3. Ảnh minh họa

Theo ước tính của ĐHQG Hà Nội, quy mô kỳ thi năm nay dự kiến có khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi và được tổ chức trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 4-5 đợt/năm. Thời gian đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1/4, áp dụng cho đợt thi đầu tiên tổ chức vào tháng 5/2021.

Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi và tra cứu thông tin dự thi tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi bằng tài khoản được cấp tại Cổng thông thi Khảo thí ĐHQG Hà Nội tại địa chỉwww.khaothi.vnu.edu.vn.

Cấu trúc bài thi ĐGNL gồm 3 phần, phần 1 là tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút. Phần 2 là tư duy định tính, có 50 câu hỏi trong 60 phút. Phần 3 là khoa học gồm 50 câu hỏi trong 60 phút. Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi ĐGNL năm 2016 để lựa chọn những nhóm câu hỏi phù hợp với 3 nhóm năng lực xác định nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2020. Với số lượng câu hỏi phong phú sẽ đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, đáp ứng sự cân bằng độ khó của từng đề thi cho mỗi học sinh tham dự nhiều đợt trong năm.

Tiếp nối thành công của các năm trước, kỳ thi ĐGNL đợt 1 do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra sáng 28/3, hiện có hơn 74.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đợt 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 4/7. Năm 2020 đã có gần 70 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi và năm nay dự kiến có thêm nhiều trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.

Thí sinh có phải đến các “lò” luyện thi?

Một câu hỏi được nhiều thí sinh hết sức quan tâm tại thời điểm hiện nay là đề thi ĐGNL thế nào, để đạt kết quả tốt thí sinh có phải tham gia luyện thi tại các trung tâm, “lò” luyện thi? Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội cho biết: Bài thi của ĐHQG Hà Nội đánh giá một cách toàn diện kiến thức THPT mà không phân theo ban.

Học sinh ôn tập kiến thức cơ bản của chương trình THPT là có thể hoàn thành tốt. Bài thi mẫu sẽ được công bố trước ngày 15/3 để thí sinh có thể hình dung về cấu trúc, dạng thức câu hỏi, nhóm kiến thức sẽ kiểm tra. Có 138 câu hỏi trắc nghiệm, chọn đáp án; 18 câu hỏi điền giá trị đáp án. Thao tác máy tính rất đơn giản, các thao tác được thực hiện trên bàn phím máy tính. Để làm bài thi tốt, thí sinh cố gắng phân bố thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi dễ/khó của từng phần trong bài thi. Thí sinh cần tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ trung tâm luyện thi nào. Thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức đã học, tự rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

TS.Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Bài thi tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.

Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Bài thi chỉ có một số lượng nhỏ các câu hỏi kiểm tra kiến thức. Tất cả các câu hỏi này đã được rà soát để bảo đảm không hỏi về những kiến thức đã được giảm tải theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cấu trúc của bài thi gồm 3 phần, sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Hiện nay bài thi tham khảo đã được công bố trên website của nhà trường để học sinh tham khảo.

Huyền Thanh
.
.
.