“Thả cửa” chỉ tiêu vào công lập, trường ngoài công lập đứng trước nguy cơ giải thể?

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:20
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam vừa gửi Bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về 10 vấn đề của giáo dục ĐH Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh việc cần tháo gỡ những rào cản về chính sách giúp các trường ĐH ngoài công lập (NCL) thoát khỏi nguy cơ bị giải thể và đóng cửa.


Đẩy mạnh giám sát chỉ tiêu đào tạo của các trường công lập

Theo GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2-11-2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ sinh viên hệ ĐH NCL đạt 40%. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khối trường ĐH NCL mới đạt được 13%, phần lớn các trường NCL đều đã không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh. 

Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục, nếu tình hình vẫn tiếp tục như vậy thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường NCL buộc phải giải thể do cạn kiệt nguồn tuyển. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ ĐH công lập đã đạt con số kỷ lục trên 500.000, vượt xa tổng chỉ tiêu của toàn ngành (cả công lập và NCL) ở những năm trước đó. 

Việc tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập, vốn được xã hội ưu tiên lựa chọn, đã làm hẹp cửa tuyển sinh của các trường NCL. Bên cạnh đó, việc quy định điểm sàn theo sáng kiến của Bộ GD&ĐT trong những năm vừa qua cũng đã làm cho các trường NCL và các trường công lập ở các địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh do nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường công lập “top trên” cũng xác định điểm chuẩn vào trường sát với điểm sàn của Bộ.  

Cần nghiêm cấm “tệ phân biệt công tư” trong tuyển dụng lao động để tạo lập sự cạnh tranh bình đẳng giữa trường công lập và NCL. Ảnh minh họa

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo lập sự cạnh tranh bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ đề xuất: Bên cạnh việc các trường NCL phải không ngừng tự nâng cao năng lực đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh giám sát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dựa trên năng lực đào tạo, kết quả điều tra tình trạng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, cũng như dựa trên sứ mạng của trường do nhà nước giao. 

Riêng đối với các trường công lập trọng điểm, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH phải được giảm thiểu đáng kể để tập trung năng lực đào tạo sau ĐH và tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các trường này cũng cần được quy định về chất lượng nguồn tuyển như nhiều quốc gia khác đã làm để duy trì ổn định thương hiệu. 

Bộ GD&ĐT phải kiên định mục tiêu bỏ điểm sàn ĐH, trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường để phù hợp với Luật Giáo dục ĐH, vừa phù hợp với xu thế của thế giới. 

Ngoài ra, nhà nước cũng cần ban hành các chính sách phù hợp để từng bước xóa dần sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, giữa sinh viên công lập và NCL. Thí dụ như học bổng sẽ không cấp cho trường, mà chỉ cho các đối tượng chính sách, không phân biệt đối tượng đó học ở trường công hay tư. 

Nhà nước cũng nên nghiêm cấm “tệ phân biệt công tư” trong tuyển dụng lao động; nghiên cứu để miễn, hoãn thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trường NCL vì cho tới nay, phần lớn các trường NCL vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế 25% thu nhập của trường, giống như doanh nghiệp khác.

Chưa nên vội vàng giảm quy mô đào tạo đại học

GS Trần Hồng Quân cũng cho biết: Có một thực tế rất rõ ràng là ngay cả những nước giàu có, nhà nước cũng không thể đầu tư tối đa vào giáo dục ở mọi cấp để thỏa mãn nhu cầu của người dân. Do đó, cần có một sự chia sẻ chi phí từ phía xã hội, trong đó có giải pháp phát triển hệ thống giáo dục, trước hết là giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp ở khu vực NCL. 

Cho tới nay, các chủ trương về xã hội hóa giáo dục của chính phủ đều rất chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, các chính sách ban hành còn thiếu, thậm chí còn mâu thuẫn, chưa đáp ứng được mong đợi. Đơn cử như khái niệm về trường dân lập đã được thay đổi đến 3 lần, tính chất sở hữu của của trường dân lập khi thành lập được xác định theo văn bản này nhưng khi chuyển đổi loại hình sau đó lại phải xác lập theo một văn bản khác. 

Một thí dụ khác, Nghị quyết 05 của Chính phủ khẳng định, nhà nước chấp nhận cả hai loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trong đó khuyến khích các trường không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, nhà nước chỉ ban hành quy chế cho loại trường không vì lợi nhuận, đến nỗi cho tới nay Việt Nam vẫn chưa hề có một trường tư thục không vì lợi nhuận nào. 

Một thí dụ khác nữa là chỉ trong vòng 8 năm, từ 2008 đến 2013, vốn điều lệ tối thiểu đã tăng liên tục từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng rồi lên 250 tỷ đồng khiến cho các nhà đầu tư đều... choáng váng. Ngoài ra, các trường NCL cũng rất lo ngại chính sách “mở trên khép dưới”, dẫn tới kết cục là chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là đã vô hiệu hóa toàn quyền tự chủ các trường đã được định chế ở những văn bản cao hơn.

Từ những bất cập trong bức tranh giáo dục ĐH NCL, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam kiến nghị: Nhà nước chưa nên giảm quy mô đào tạo ĐH theo đề xuất của một số chuyên gia, tổ chức bởi tình trạng hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm “chỉ là trước mắt”. Trong những năm tới, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân lực bậc cao lại tiếp xuất hiện trở lại. 

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có liên quan tới chính sách phát triển kinh tế - đầu tư của đất nước, chính sách công nghệ, chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực... chứ không phải chỉ do chất lượng đào tạo tại các trường ĐH,  lại càng không phải do nước ta đã thừa nguồn nhân lực có trình độ ĐH. 

Theo thống kê của UNESCO, tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam hiện nay là 24% trong khi trung bình của thế giới là 30%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2011), tỉ lệ lao động đang làm việc không có trình độ chuyên môn-kỹ thuật của Việt Nam là 84,6%. 

Vì vậy, “nếu Việt Nam chủ động giảm quy mô đào tạo ĐH ngay từ bây giờ vì cho rằng thừa lao động trình độ ĐH thì vô tình chúng ta đã từ bỏ mục tiêu đưa đất nước sớm trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại” - GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.