Thấy gì sau hai đợt tuyển sinh "2 trong 1"?

Thứ Bảy, 10/09/2016, 06:45
"Qua 2 đợt tuyển sinh 2015, 2016 vừa qua, ít nhiều đã tạo cho những người làm tuyển sinh ở các trường đại học (ĐH) nhiều cảm xúc khác nhau: vui có, hồi hộp có, sợ có!… 


Bên cạnh đó, dù đã có nhiều điều chỉnh nhưng được đánh giá đã tốt hơn chứ chưa thể là tốt nhất. Tốt nhất là phải đặt kì thi "2 trong 1" đúng vị trí và vị thế, bản chất của nó”, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh đưa ra lời nhận xét.

Quan niệm nghề nghiệp đã thay đổi cơ bản

TS Trần Đình Lý nhận định, với phổ điểm kì thi 2016 cho thấy, những thí sinh (TS) đạt điểm cao (trên 20 điểm) chắc chắn có nhiều cơ hội. Các năm trước đây, có thể chia thành 3 nhóm trường theo điểm chuẩn: cao, trung bình, thấp.

Nhưng năm 2016, nói chính xác thì nên phân thành 5 nhóm: rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp. Trường có điểm chuẩn cao nhưng còn có nhóm khác có điểm rất cao, thậm chí các em điểm cao (tỉ lệ không nhỏ) đã chọn con đường du học. Nguồn TS năm 2016 còn bị hút về những trường có điểm chuẩn thấp hoặc về trường có điểm chuẩn rất thấp, đó là trường xét tuyển bằng hình thức TS không đăng ký mục tiêu xét tuyển vào ĐH nhưng vẫn vào được qua hình thức xét tuyển học bạ...

Tư vấn cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển 2016 tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Đã có ý kiến cho rằng, năm 2016 có khoảng 40.000 TS đầu quân về các trường CAND và các trường quân sự. Năm ngoái số lượng TS đăng kí vào các khối này là khoảng 90.000 thì năm nay căn cứ trên số lượng chỉ tiêu giảm đi một nửa (riêng trong các trường CAND) thì số đăng kí vào ngành cũng phải tương đương mức trên.

Mặt khác, theo sự dịch chuyển về thị hiếu chọn ngành, nghề hiện nay, khi cân nhắc chọn giữa học ngành Công an, quân sự hay ngành y, dược thì câu trả lời chọn vào Công an vẫn chiếm tỉ lệ cao với lý do, học ra có việc làm ngay. Tuy nhiên khó giải thích ở việc, năm nay ngay cả các trường quân sự cũng phải tuyển thêm nguyện vọng (NV) bổ sung.

Quan điểm “Nhất y, nhì dược” đã thay đổi theo luật cung - cầu của xã hội. Qua tình huống các trường top đầu vẫn phải tuyển các đợt bổ sung NV để lấp cho đầy chỉ tiêu cho thấy rằng, quan niệm của người dân trong hướng nghiệp cho con đã khác xưa.

Ngành y dường như cũng đang bị thấp giá đi do học tập ra trường xin việc khó khăn, khó chen chân vào chỗ làm tốt. Áp lực công việc lớn, hơn nữa gần đây lại bị đánh giá là nghề mang nhiều rủi ro khi liên tiếp xảy ra những chuyện khiếu kiện, khiếu nại từ những vụ tai biến y khoa.

Cũng theo GS.TS Mai Hồng Quì, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, qua việc đăng kí NV trong các đợt xét tuyển năm nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, ảo TS năm 2016 quá "khủng" vì TS một mặt không biết được dữ liệu như năm 2015 để so sánh, nhưng điều đáng quan tâm hơn, năm nay nhiều em có điểm cao, đạt trên 20 nhưng do giữ độ "an toàn" tối đa là phải đậu ĐH, mọi chuyện tính sau nên đã đăng kí NV vào trường top trung bình.

"Giải pháp an toàn" của TS cũng bộc lộ rằng, công tác phân luồng của chúng ta vẫn chưa tốt. TS vẫn chưa dám dấn thân cho ước mơ, sở trường, lòng say mê của chính bản thân mình cho nghề nghiệp.

Các trường cần nhìn nhận lại mình

Có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử của công tác tuyển sinh ĐH-CĐ đã xảy ra việc, kết thúc xét tuyển đợt 1, kể cả các đợt xét tuyển NV bổ sung, nhiều trường ĐH top trên vẫn không tuyển đủ số lượng theo chỉ tiêu. Một nỗi lo lắng cho chất lượng của nguồn tuyển tại các trường là điều đương nhiên.

Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố dự án tuyển sinh năm 2017, sẽ tổ chức thi theo hình thức bài thi tổ hợp và bài thi năng lực. Từ năm 2017 có thể kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì. Còn việc xét tuyển ĐH, mỗi trường được tự lựa chọn phương thức phù hợp, kể cả tự tổ chức thêm một kỳ thi hoặc hình thành nhóm...

Tuy nhiên dư luận còn đang tranh cãi xung quanh vấn đề này. Nhưng một điều rất rõ ràng, rằng, sau 2 lần tổ chức kì thi "2 trong 1", các trường đều phải nhìn nhận lại mình trong mọi mặt.

Đề cập tới việc chất lượng nguồn tuyển năm nay có giảm sút do tình huống các trường phải cố gắng lấp đầy chỉ tiêu, bà Mai Hồng Quì cho rằng, chỉ tiêu các trường ĐH dựa trên một bộ tiêu chí phải tuân thủ. Đã có ý kiến đề xuất nên để cho các trường một kế hoạch du di miễn là đào tạo ra đủ số lượng SV trong 5 năm cũng là một cách hợp lý.

Tuy nhiên, sẽ nảy sinh vấn đề: nếu năm đó tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, vậy đội ngũ giáo viên, nhân lực không sử dụng hết sẽ lỡ kế hoạch của trường, và quan trọng nhất là trường có duy trì, giữ vững được các "tiêu chí" đặt ra? Tại ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, trong vòng 6 năm nay, không tăng lượng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng luôn tăng cường về CSVC, thiết bị giảng dạy, về chất lượng đội ngũ nhân lực theo tiêu chí "biến lượng thành chất".

Hiện các trường vẫn tuyển sinh theo năng lực đào tạo của mình (chỉ tiêu tuyển sinh) mà không hướng tới nhu cầu xã hội, bởi vậy có sự "đọc" nhu cầu chưa chính xác. Nhìn lại, khi kết thúc đợt xét tuyển 1, Bộ yêu cầu, để có chất lượng cho các đợt xét tuyển bổ sung, mức điểm phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển của ngành ở đợt 1.

Ngay lập tức Bộ đã gặp phản ứng từ phía đơn vị tuyển sinh, rằng, Bộ căn cứ vào đâu mà "đòi" yêu cầu điểm xét tuyển NV bổ sung phải cao hơn hoặc bằng mức điểm trúng tuyển của ngành ở đợt 1? Theo TS Trần Đình Lý, quy chế bắt buộc mức điểm xét tuyển và chuẩn lần sau phải không thấp hơn lần trước, đó là quyết định đúng đắn theo ý nghĩa “bổ sung”.

Tuy nhiên, trước tình huống TS ảo quá "khủng" của 2016, Bộ không quy định về mức điểm các đợt là có lý do của nó vì sợ thiếu nguồn tuyển ở các cấp nhóm trường khác nhau nhưng lại xảy ra sự bất công với TS điểm cao mà rớt đợt 1.

Nhưng do nguồn tuyển thiếu nên vẫn có trường hợp: chính các em rớt đợt 1 đã trúng tuyển đợt 2 ngay chính trường đó, ngành đó. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình huống Bộ giúp các trường bù đắp kịp nguồn tuyển.

Để tránh chuyện "vỡ trận" TS ảo như năm nay, theo TS Lý, khi đã xét tuyển chung cần phải đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản. Chúng ta có thể chọn những "cái được" của 2 kỳ xét tuyển 2015 và 2016 để tạo ra kỳ xét tuyển tốt nhất.

Cụ thể, cái được của 2015 là công khai, minh bạch số liệu để TS đăng ký xét tuyển; cái được của 2016 là "lấy hướng nghiệp làm gốc”. Để kỳ thi tuyển sinh năm 2017 tốt hơn, nếu còn xét tuyển chung, cần kết hợp cả 2 kỳ xét tuyển năm 2015 và 2016.

Theo đó, thời gian xét tuyển có thể vẫn là 12 ngày, chia thành 3 top điểm gồm điểm cao, vừa và thấp. Ví dụ: 4 ngày đầu những TS có điểm trên 25; 4 ngày tiếp theo cho TS trên hoặc = 20 (<25); 4 ngày còn lại từ sàn tới dưới 20.

Huyền Nga
.
.
.