Rà soát kỹ hồ sơ của các ứng viên GS, PGS năm 2019
Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 vừa tổ chức phiên họp lần thứ II của Hội đồng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
- Trường ĐH chịu trách nhiệm kết quả công nhận chức danh GS, PGS tại Hội đồng cơ sở
- Không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2018
- Rà soát ứng viên chức danh GS, PGS 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng
- Rút kinh nghiệm về những sai sót trong xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017
Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2019, có 98 Hội đồng Giáo sư cơ sở có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) với 725 ứng viên. Đến nay, đã có 92 Hội đồng Giáo sư cơ sở đã nộp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS về Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước theo quy định.
Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, đánh giá báo cáo khoa học tổng quan từ 725 ứng viên, hiện nay còn 556 ứng viên, trong đó có 105 ứng viên GS, 450 ứng viên phó PGS, được Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi hồ sơ về Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề nghị xét, công nhận tiêu chuẩn GS, PGS ở 26 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Nếu so với số ứng viên cho các chức danh này lên tới 1.226 người trong năm 2017 thì năm 2019 số ứng viên đã giảm mạnh xuống còn chưa đầy một nửa.
Báo cáo tại phiên họp cũng cho thấy, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; Thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS do đó, một số Hội đồng Giáo sư cơ sở còn lúng túng trong việc thực hiện một số qui định của quyết định 37.
Cùng với đó, một số hội đồng cơ sở còn chưa thực hiện đầy đủ quy định phải công khai kết quả xét tuyển của các ứng viên lên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học nên đã phải kéo dài thêm thời gian để thực hiện công khai theo qui định.
Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành phối hợp với Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước rà soát kỹ trong khâu tiếp nhận hồ sơ các ứng viên từ Hội đồng Giáo sư cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo qui định. Trong khâu tiếp nhận và quá trình thẩm định hồ sơ ứng viên, nếu phát hiện hồ sơ nào không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì loại ngay.
Đặc biệt, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cần nâng cao trách nhiệm trong thẩm định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu và năng lực ngoại ngữ của các ứng viên; công bằng, công tâm, khách quan trong thẩm định hồ sơ ứng viên, trong đó nhất là khâu bỏ phiếu kết quả xét công nhận ứng viên và phải chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.