Tuyển sinh đại học năm 2019:

Ngành học mới có dễ kiếm việc làm?

Thứ Hai, 18/03/2019, 09:28
Ngành học mới có dễ kiếm việc làm; xu hướng đào tạo và tuyển dụng nhân lực trong thời gian tới sẽ ưu tiên những ngành đào tạo đặc thù nào; bí quyết để thí sinh có thể trúng tuyển vào đúng ngành học mà mình yêu thích?


Đây đang là mối quan tâm lớn của rất nhiều thí sinh và phụ huynh học sinh tại sự kiện Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2019 do Báo Tuổi trẻ và Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 17-3.

Nhiều ngành học mới dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ và khối trường nghề, nhiều thí sinh đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến một số ngành học mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Công nghệ thông tin theo định hướng thị trường; Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, chế tạo robot, công nghệ hàng không vũ trụ.

Trả lời băn khoăn của thí sinh về các ngành học mới này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành hot nhất trong các ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH hiện nay bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các năm tuyển sinh vừa qua, ngành CNTT luôn có điểm chuẩn cao nhất ở các trường ĐH.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành CNTT có 3 mã ngành đào tạo gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kĩ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin (IT3). Trong đó, ngành CNTT số lượng thí sinh đăng ký đông nhất.

“Nhiều thí sinh chưa hiểu sâu về các ngành học CNTT nên đổ xô vào ngành này. Thực ra, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, thí sinh dự thi nên tìm hiểu kỹ” - ông Tớp cho biết.

Cũng theo chia sẻ của PGS Trần Văn Tớp, trước khi mở các ngành học mới này nhà trường đã nghiên cứu kỹ và tham vấn ý kiến của các nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực này nên thí sinh có thể yên tâm về cơ hội đầu ra. Trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng sẽ cam kết đồng hành cùng sinh viên về chất lượng đào tạo.

Đại diện Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, đa số các ngành học mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều là các chuyên ngành hẹp của CNTT. Đây là các ngành học đón đầu nguồn nhân lực trong tương lai nên nhu cầu đầu ra rất lớn. Tuy vậy, với những học này, điểm chuẩn đầu vào chắc chắn sẽ cao. Và muốn thành công, ngoài việc phải có trình độ học lực khá và giỏi, học sinh còn phải có lòng đam mê.

Cán bộ tuyển sinh tư vấn về ngành học cho thí sinh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2019.

Cơ hội việc làm lớn từ nhóm ngành du lịch, khách sạn

GS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho biết: Dù không phải là ngành học quá mới song hiện nay ngành du lịch - khách sạn đang rất "hot".

Lý do nhu cầu nhân lực của ngành này đang rất rộng mở, Nhà nước cũng đang có những chính sách đặc biệt trong đào tạo ngành này. Vì vậy, ở một số trường, còn có chỉ tiêu dành cho ngành này như một ngành đặc thù.

Thông tin thêm về ngành học này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Với 5 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn riêng để các trường có đào tạo các ngành này kết hợp với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch để đào tạo với tỷ trọng lớn tại các doanh nghiệp.

Việc đào tạo theo cơ chế đặc thù này sẽ được áp dụng cách tính chỉ tiêu riêng, giảng viên thỉnh giảng đến từ các doanh nghiệp cũng được tính để đăng ký chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu nhân lực đang rất rộng mở.

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cũng khẳng định đây là lĩnh vực đang được Nhà nước đặc biệt ưu tiên. Ở khối trường nghề, ngành này đang có lợi thế với mô hình đào tạo gắn với thực tiễn với 70% thời lượng thực hành, chỉ 30% dành cho lý thuyết.

Hiện nay, với hệ giáo dục nghề nghiệp, ngành đào tạo du lịch - khách sạn đang thí điểm đào tạo theo chương trình của Úc để cuối năm nay sẽ có khóa đầu tiên được cấp bằng.

Ngoài ra, hiện đã có thêm chương trình đào tạo theo chương trình của Đức. Học viên có thể theo học trình độ cao đẳng chương trình chất lượng cao này, sau này nhiều thuận lợi luân chuyển việc làm trong và ngoài nước với cơ hội việc làm lớn, thu nhập cũng rất cao.

Chọn ngành học trước khi chọn trường?

Tại khu vực tư vấn “Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời” nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn giữa việc học trường công và trường tư; chọn ngành học trước hay chọn trường trước; học lực trung bình thì nên học trường nào?

Về vấn đề này, TS Phạm Ngọc Linh - Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - cho rằng: Mỗi trường sẽ có một thế mạnh khác nhau. Nếu các em thích một môi trường học tập năng động, thiên về thực hành ứng dụng hơn thì chọn trường tư. Nhưng em phải xác định điều kiện kinh tế gia đình cho phép đóng học phí cao. Còn em muốn vào trường, có sự bảo đảm chất lượng, học phí thấp hơn thì chọn trường trường công.

Trả lời băn khoăn của một thí sinh về việc nếu chỉ có học lực trung bình thì nên chọn ngành gì, ThS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Ngành nào cũng sẽ có những trường tuyển sinh với mức điểm cao, thấp khác nhau tùy theo yêu cầu đào tạo. Vì thế cơ hội mở với tất cả các học sinh. Bởi vậy, các em lực học trung bình cũng có cơ hội, chỉ cần các em nỗ lực cho kỳ thi cuối cùng của hành trình học tập ở phổ thông. Khi chọn được các nghề mình thích, các em có thể chọn các trường có yêu cầu đầu vào phù hợp với năng lực, căn cứ vào điểm chuẩn nhiều năm, phương án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh cụ thể của các trường”.

Thông tin thêm về câu chuyện chọn ngành, chọn trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An lưu ý: “Ngoài việc có được thông tin đầy đủ về các chương trình đào tạo, điểm chuẩn các năm trước, các em cũng cần nắm được xu hướng nghề nghiệp, những ngành nghề mà xã hội sẽ có nhu cầu cao trong giai đoạn tới, những lĩnh vực ngành nghề mà bản thân mình có thiên hướng, sở trường để có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình trong tương lai”.

Thí sinh Hòa Bình trúng tuyển trường Công an đều nhập học

Chia sẻ với báo chí tại "Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp” 2019, Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Trợ lý tuyển sinh Cục Đào tạo, Bộ Công an - cho biết: Tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường CAND năm 2018 đều nhập học, trong đó có thí sinh ở Hòa Bình. 

Về gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Hòa Bình, Bộ Công an sẽ giải quyết theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, sau khi Sở GD&ĐT Hòa Bình công bố điểm chấm thẩm định, các trường Công an sẽ liên hệ để cập nhật lại điểm thi và có phương án xử lý đối với các thí sinh gian lận theo đúng quy chế. 

Còn theo Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký, Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, trong năm 2018, một số thủ khoa và thí sinh điểm cao không đến nhập học trường quân đội. Các thí sinh này không chỉ đến từ Hòa Bình mà còn ở một số địa phương khác. Phần lớn thí sinh đạt điểm cao không nhập học không báo lại lý do. Một số em cho biết đã nhập học trường khác hoặc du học.

H.T.


Huyền Thanh
.
.
.