Liên quan đến vụ cô giáo quỳ ở Trường Tiểu học Bình Chánh:

Nếu Hiệu trưởng làm đúng chức trách, nhiều điều đáng tiếc có thể đã không xảy ra

Thứ Bảy, 07/04/2018, 08:44
Chiều 5-4, Hội đồng Kỷ luật huyện Bến Lức (Long An) đã họp xem xét quyết định kỷ luật thầy Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, Bến Lức) với hình thức "cách chức" do những sai sót liên quan tới vụ cô giáo B.T.C.N quỳ xin lỗi phụ huynh học sinh (PHHS).


Xung quanh hình thức  kỷ luật này cũng còn nhiều ý kiến bàn luận, tuy nhiên, UBND huyện cũng cho biết, đầu tuần tới sẽ có văn bản  chính thức. Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An), cho biết, tại cuộc họp xét kỷ luật, có sự tham dự của thầy Huỳnh Công Sơn.

Theo đó, 100% các ý kiến biểu quyết nhất trí thông qua quyết định kỷ luật thầy Huỳnh Công Sơn với hình thức cách chức, dựa trên các điều khoản qui định trong Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011.

Qua trao đổi với PV Báo CAND, một giáo viên tại Trường THCS & THPT huyện Mộc Hóa (Long An) cho rằng, mức kỷ luật "cách chức" hiệu trưởng đối với thầy Sơn là quá nặng, mà chỉ nên ở mức "hạ bậc lương" hoặc "giáng chức" xuống làm Phó hiệu trưởng.

Ý kiến này đưa ra nhìn nhận ở góc độ rằng,  lỗi của thầy Sơn không phải là cố ý, gần như là một "tai nạn", do thầy ứng xử không khéo, biện pháp không phù hợp, nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc. Cũng có ý  kiến khác cho rằng, nếu áp dụng hình thức này với thầy Sơn là một cú sốc lớn với cá nhân thầy Sơn, ngoài ra khi xem xét hình thức kỷ luật với thầy Sơn trong vụ việc cũng nên xem xét tới những đóng góp của một người làm lãnh đạo trường học có nhiều năm gắn bó công tác, có những cống hiến cho nhà trường.

PV Báo CAND trao đổi với thầy Đặng Quyết Tiến, nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình về vấn đề trên. Thầy Tiến cho rằng, Hội đồng kỷ luật huyện Bến Lức nhận định sai phạm của thầy Sơn là "để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng" dựa theo Điều 13, khoản 1 của Nghị định 34/2011/NĐ-CP để xử lý kỷ luật với hình thức "cách chức" theo ông là phù hợp.

“Từng được công tác ở nơi đào tạo ra sản phẩm là những người thầy, tôi thấy xung quanh vụ việc cô giáo quỳ tại Long An cần được nhìn nhận như sau: tính chất vụ việc có thể khẳng định, đã gây “ảnh hưởng rất nghiêm trọng” tới môi trường làm việc của các thầy cô giáo, tới những người làm nghề giáo.

Về phía cô giáo B.T.C.N, do mới sinh con đi làm lại tinh thần còn yếu đuối, chúng ta có thể hiểu, thông cảm phần nào, cô quỳ cũng còn vì lý do để được "yên thân".

Tuy vậy cô giáo này cũng đã có 2 điều sai. Cô bắt HS quỳ là sai trong phương pháp dạy dỗ HS, cô quỳ trước PHHS là làm mất đi vai trò, danh dự, vị thế của người thầy. Còn nhóm PHHS, trong đó có ông Thuận vào làm áp lực bắt cô phải quỳ như HS thì là một hành động không thể chấp nhận được. Làm đảo lộn truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Trong diễn biến vụ việc, cho thấy, người Hiệu trưởng là thầy Huỳnh Công Sơn nếu như kiên nhẫn ở lại, kiên quyết không bỏ đi, có những chỉ đạo kịp thời, yêu cầu bảo vệ nhà trường vào hỗ trợ, mời các PHHS ra về, kiên quyết không cho cô giáo B.T.C.N quỳ, phản đối bằng được hành vi không được phép làm của ông Võ Hoà Thuận, tức là bảo vệ bằng được danh dự cho giáo viên cũng là nhân viên của mình. Như vậy, mới thể hiện là người lãnh đạo hoàn thành chức trách, nhiệm vụ ở vị trí đứng đầu một ngôi trường. Vì giáo viên lúc đó chỉ biết trông chờ vào Hiệu trưởng chứ trông chờ vào ai?

Nếu Hiệu trưởng làm được như vậy thì giờ phút này ban ngành cũng không phải thành lập Hội đồng kỉ luật, bản thân ông Võ Hoà Thuận cũng không bị khai trừ Đảng... Rất nhiều việc đáng tiếc sẽ không xảy ra khi người Hiệu trưởng trong vụ việc này chỉ cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao”, thầy Tiến nhấn mạnh.

H.Nga
.
.
.