Mâu thuẫn về học phí tại các trường quốc tế

Chủ Nhật, 10/05/2020, 10:17
Không như trường công, PHHS được miễn phí toàn bộ khoản học phí trong hơn 3 tháng nghỉ dịch, song, học ở trường quốc tế vẫn phải đóng đủ 100% học phí...

Dịch COVID-19 khiến tất cả trường học phải thực hiện học trực tuyến. Không như trường công, PHHS được miễn phí toàn bộ khoản học phí trong hơn 3 tháng nghỉ dịch, song, học ở trường quốc tế vẫn phải đóng đủ 100% học phí. Từ đây, gây nên một làn sóng phản ứng dây chuyền từ trường này sang trường khác mà chưa thấy có dấu hiệu ngừng lại.

Được biết, tại trường Quốc tế Úc Sài gòn (AIS), vào ngày 10-2, trường bắt đầu tổ chức học online trong thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19. Đến 6/4, trường ra thông báo đóng học phí năm học mới 2020-2021 nhưng không hề đề cập đến việc hoàn trả các phần học phí mà PHHS đề nghị trong thời gian nghỉ vì dịch. 

Mâu thuẫn tăng thêm khi phụ huynh bị bảo vệ cấm cửa không cho vào. Sau đó, trường AIS cũng thông báo hoàn học phí theo bậc học: mức 20% cho mẫu giáo, 12% cho tiểu học và 5% với bậc THCS, THPT. 

Với mức học phí trung bình của một học sinh đóng từ 200-600 triệu đồng (tuỳ cấp học), nhưng được hoàn lại từ 10-20-22 triệu đồng. Mức chi trả này PHHS cho rằng là vô lý dẫn tới việc ngày 6/5, gần 30 PHHS trường này đã cầm tờ rơi đứng dưới trời nắng trước cổng trường (số 264, Mai Chí Thọ, quận 2) đề nghị được đối thoại với nhà trường. Họ cũng đã đệ đơn tới Sở GD-ĐT, UBND TP và cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị được can thiệp.

Trước đó, ngày 5/5, PHHS trường Song ngữ AMASI- cơ sở quận 7, TP HCM cũng kéo nhau lên trường này để yêu cầu được đối thoại về vấn đề học phí mùa dịch. PHHS trường này cũng bức xúc vì nhà trường tổ chức học online nhưng phải đóng đủ 100% học phí. Trước phản ứng gay gắt của PHHS, ngày 29/4, trường này thông báo tới PHHS cho học sinh đi học bù nhưng vẫn nói rõ: “xem việc dạy bù và học online tương đương với toàn bộ học phí và sẽ không hoàn trả lại học phí”.

Phụ huynh các trường Quốc tế Úc (AIS) và trường Quốc tế dân lập Việt Úc yêu cầu được đối thoại về vấn đề học phí.

Cùng ngày 5/5, hàng trăm PHHS của cơ sở quốc tế dân lập Việt Úc cũng kéo tới trường này tại đường 3-2 (quận 10) đề nghị nhà trường giải quyết vấn đề học phí online.

Trong các ngày 7/5 và 8/5, đại diện cho PHHS của trường Quốc tế Úc (AIS), khoảng 20 PHHS đã tiếp tục cầm lá đơn kiến nghị (lần thứ 3) lên Sở GD-ĐT TP, UBND TP và tiếp tục gửi Bộ GD-ĐT đề nghị xin được can thiệp giúp đỡ. 

Trong đơn kiến nghị, phụ huynh AIS  yêu cầu lãnh đạo nhà trường tổ chức đối thoại trực tiếp để giải quyết triệt để các yêu cầu của PHHS. Tổ chức dạy bù cho HS theo nguyên tắc đúng và đủ. Nếu nhà trường không thực hiện thì phải hoàn trả học phí năm học 2019-2020 cho thời gian học online không phụ thuộc vào việc học sinh có tiếp tục theo học tại trường hay không.

Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, sở đã nắm được thực trạng mâu thuẫn xảy ra giữa PHHS với một số trường quốc tế về học phí mùa dịch. Sở đã yêu cầu nhà trường có sự công khai, minh bạch và có sự thoả thuận với PHHS và phải hợp tác để giải thích rõ ràng, chấm dứt tình trạng kéo dài mâu thuẫn. Bắt đầu từ ngày 11-5 này, Sở sẽ mời các bên liên quan tới Sở để lắng nghe tâm tư và bàn giải pháp giải quyết tình trạng mất ổn định tại những cơ sở này.

Với câu hỏi, do phải nghỉ dịch COVID-19 mà các trường vẫn thu đủ 100% học phí là đúng hay sai? Ông Nam cho rằng, việc này phụ thuộc vào thực tế cam kết, thoả thuận giữa nhà trường với PHHS.

Về việc mỗi trường có một mức học phí khác nhau, có trường tới nửa tỉ /năm, có qui định chế tài nào với vấn đề học phí trường quốc tế hay không? ông Nam cho biết, Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ qui định, các trường dân lập cũng như ngoài công lập, hoạt động theo Luật DN, có quyền thu mức học phí theo thoả thuận với khách hàng khi tới ký hợp đồng của trường. Sở không có quyền can thiệp học phí trường tư, chỉ can thiệp vào trường công. Sở cũng không có quyền tham mưu vào vấn đề học phí trường tư.

Huyền Nga
.
.
.