Linh hoạt trong dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1

Thứ Tư, 24/02/2021, 17:32
Ngay sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng chỉ đạo dừng dạy học trực tuyến đối với học sinh khối 1, khối 2, trên mạng xã hội và báo chí đã diễn ra những tranh luận xung quanh việc nên dừng hay tiếp tục dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1.


Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng và Bộ GD&ĐT đã có những phản hồi về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 24/2, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng cho biết: Vừa rồi một số báo đưa tin giật tít không đầy đủ. Công văn của Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo các trường điều chỉnh, lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến phù hợp với các nhóm đối tượng, chứ không phải dừng dạy học trực tuyến.

Cụ thể, trong công văn 298, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng chỉ đạo do học sinh lớp 1, lớp 2 chưa được học tin học, còn quá nhỏ, bố mẹ thì đi làm nên không tổ chức cho học sinh trực tiếp sử dụng thiết bị công nghệ để cài đặt tài khoản tự học trực tuyến vì tiềm ẩn nguy cơ không an toàn về chập, cháy điện. Giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức giao tiếp trực tuyến khác để giao bài tập về nhà cho học sinh như gửi bài trực tuyến qua Zalo, Facebook, Email của bố mẹ. 

Học trực tuyến được xem là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm ngừng tới trường để phòng tránh dịch COVID-19.

Sau khi làm xong, bố mẹ trả bài tập đến thầy cô qua các hình thức điện tử. "Ở đây chỉ là điều chỉnh, thay đổi hình thức dạy học trực tuyến cho phù hợp với đối tượng, đảm bảo an toàn cho học sinh, tạo thuận lợi cho phụ huynh chứ không phải là dừng hẳn việc học trực tuyến" - ông Vũ Văn Trà nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định điều chỉnh hình thức dạy học trực tuyến đối với học sinh khối 1 và khối 2 của ngành giáo dục Hải Phòng là hoàn toàn phù hợp, các địa phương cũng nên tham khảo.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh tại Hà Nội, bản thân các em lớp 1 học ở lớp đã loay hoay, học online ngồi trước máy vi tính sẽ rất khó. Mặc dù một số nhà trường  ưu tiên bố trí khung giờ buổi tối cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, lịch học buổi tối có lợi thế là bố mẹ ở nhà, có thể hỗ trợ, kèm cặp thêm nhưng cũng có bất cập là các con thiếu tập trung. Học online vốn tương tác hạn chế, sĩ số lớp học lại đông nên giáo viên không thể bao quát được, học sinh sau nhiều lần giơ tay, không được phát biểu cũng dễ chán nản, quay sang làm việc riêng…

Bên cạnh đó, trên thực tế không phải bố mẹ nào cũng có thể hỗ trợ con học vào buổi tối vì vào thời điểm đó, bố mẹ vừa đi làm về đến nhà, con cái chưa được ăn uống, tắm rửa, họ cũng cạn kiệt năng lượng sau một ngày làm việc, thì chuyện kiên nhẫn ngồi học cùng con rất khó.

Còn học vào buổi ngày, ở độ tuổi này, các con không thành thục các kỹ năng công nghệ thông tin để có thể tự đăng nhập tài khoản, nguy cơ chập cháy điện là rất cao nếu không có sự hỗ trợ, giám sát của người lớn.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, việc dạy trực tuyển phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, không nên quá áp đặt. Trong quá trình thực hiện, có những điều chưa phù hợp cũng cần được điều chỉnh kịp thời. Hơn nữa dạy trực tuyến trên thực tế tương đối đa dạng nên giáo viên cũng không thể bê nguyên xi bài giảng, chương trình trực tiếp vào dạy trực tuyến một cách máy móc, dẫn đến hiệu quả không cao.

TS. Lê Thị Thục Nhi, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Vinh nêu quan điểm: “Tùy vào tình hình thực tế, các trường, các địa phương hoàn toàn có thể tạm dừng việc học “face-to-face” (tức là giáo viên giảng trực tuyến trước máy tính) đối với lứa tuổi lớp 1, thay vào đó, có thể hướng dẫn phụ huynh cách học trên máy tính, để phụ huynh hướng dẫn con học ở nhà. Chẳng hạn, gửi những đường link hoặc yêu cầu để trong thời gian rảnh rỗi, phụ huynh có thể đồng hành cùng con tham gia những cơ hội trải nghiệm khác, không phải chỉ học chữ mà còn có rất nhiều thứ khác để học”.

Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh như hiện nay, bố mẹ cũng phải tham gia vào câu chuyện giáo dục một cách nghiêm túc, không thể bỏ lửng thời gian của các con vì độ tuổi này là độ tuổi phát triển trí não rất quan trọng.

Về vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Nội dung văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hải Phòng là đối với lớp 1 và lớp 2 không tổ chức việc dạy và học trực tuyến thay thế hoàn toàn học trực tiếp để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đảm bảo chất lượng dạy học theo yêu cầu.

Nhưng điều này không phải là dừng hẳn việc học trực tuyến với các khối lớp 1, 2 mà chỉ là ứng dụng dạy học trực tuyến ở mức độ phù hợp là bổ trợ cho dạy học trực tiếp. Điều này phù hợp với các văn bản của Bộ GD&ĐT đã ban hành về việc với từng độ tuổi và điều kiện thực tế thì nhà trường.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, hiện đã có  51 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại. Trong tuần tới, bắt đầu từ ngày 1/3, tiếp tục có 8 tỉnh có kế hoạch cho học sinh trở lại trường, chỉ còn 4 tỉnh tùy vào tình hình dịch bệnh sẽ cho học sinh đi học trở lại sau ngày 1/3. Như vậy, trên phương diện toàn quốc thì đại đa số các địa phương học sinh sẽ đi học trở lại từ 1/3. Theo quyết định số 2084 của Bộ GD&ĐT về ban hành khung thời gian năm học 2020-2021 thì thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5.

Như vậy, nếu học sinh các tỉnh đi học trở lại từ ngày 1/3 thì khung thời gian năm học vẫn đảm bảo kết thúc vào ngày 31/5.

Trong tình huống dịch vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương thì Bộ GD&ĐT sẽ kích hoạt các văn bản về tinh giản nội dung chương trình đã được Bộ ban hành năm 2020 để các nhà trường thực hiện nhằm đảm bảo được các nội dung cốt lõi của chương trình và đảm bảo khung thời gian năm học.Trong trường hợp này, Bộ cũng sẽ có tính toán cụ thể với từng cấp học.

Hùng Quân
.
.
.