Học sinh hiến kế giải pháp xây dựng "văn hoá ứng xử học đường"

Thứ Tư, 29/03/2017, 07:36

Ngày 28-3, 160 học sinh tiêu biểu đại diện khối các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên của TP. Hồ Chí Minh đã có một cuộc đối thoại trực tiếp với những lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Văn hóa ứng xử học đường”. Các em được thoải mái chia sẻ những tâm tư, bức xúc về cách ứng xử không chỉ trong môi trường học đường mà cả ngoài xã hội.

Học sinh đang ngày một vô cảm?

Em Võ Trâm Anh (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) phản ánh, bạo lực học đường vẫn liên tục xảy ra tại tất cả các trường. Nhưng khi xảy ra vi phạm, thầy cô thường xử lý nghiêm khắc mà thiếu đi tình người, không tìm hiểu nguyên nhân vì sao đánh nhau (bất đồng trên mạng xã hội…). Trâm Anh kiến nghị: Liệu có giải pháp nào thích hợp hơn để học sinh nhận ra cái sai thay vì đuổi học hay những hậu quả nghiêm trọng khác? Có lớp nào về ứng xử học đường cho học sinh hay không?

 Một vài hình ảnh về các em học sinh phát biểu tại buổi đối thoại.

Cũng trăn trở như Trâm Anh, em Ngô Mai Uyên (Trường THPT Phú Nhuận) nhận định, bạo lực học đường không chỉ là đấm đá, gây gổ mà còn là cách lạm dụng tự do ngôn luận, sử dụng sức mạnh đám đông để làm tổn thương người khác. Mai Uyên đưa ra ví dụ về một trường hợp nữ sinh 15 tuổi bị tung clip nhạy cảm trên mạng, đã có rất nhiều học sinh vào chửi bới, lăng mạ đến mức bạn đó phải tìm đến cái chết. Mới đây nhất là vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn trai giết và phi tang trong thùng xốp, nhưng có không ít học sinh đọc tin này với vẻ thờ ơ, thậm chí còn lấy hình ảnh thùng xốp ra trêu ghẹo, chọc nhau. Mai Uyên trăn trở, có phải học sinh đang ngày vô cảm?

Ảnh hưởng không nhỏ của mạng xã hội

Em Trương Lê Gia Bảo (Trường THPT Ngô Thời Nhiệm) nhận xét, nhiều bạn học sinh hiện nay đọc rất nhiều sách như ngôn tình, Đam Mỹ, rồi sáng tác truyện epic nhưng trong các truyện này có những ngôn từ, cách ứng xử không phù hợp như chửi thề, văng tục, yêu đương... Em kiến nghị, có cách nào để định hướng đọc sách cho học sinh hay không vì thực tế, có một số loại sách rất hay, tác động trực tiếp đến tâm hồn, ứng xử của học sinh nhưng rất ít bạn quan tâm.

Một học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý thẳng thắn cho biết, facebook hiện không thể thiếu trong cuộc sống của học sinh, nhưng việc học sinh còn đăng, chia sẻ những clip đánh nhau, bài post mang lời lẽ tục tĩu diễn ra khá nhiều. Em đề xuất trong môn học Giáo dục công dân, tin học, kỹ năng sống, các thầy cô nên dạy học sinh cách sử dụng, tận dụng tối đã khả năng của facebook như tổ chức các cuộc thi làm clip hay… để học sinh biết cách dùng facebook hiệu quả nhất, không gây ảnh hưởng xấu đến bản thân và người khác.

Em Anh Thư (Trường THPT Võ Thị Sáu) cho biết, có bạn đi học vì gia đình khó khăn nên mua giày giá rẻ nhưng nhiều bạn giàu có khác trong trường chọc ghẹo, thậm chí chửi vì xài hàng nhái. Rồi bạn này bị áp lực quá nên phải chuyển trường luôn. Em thấy tình trạng phân biệt giàu nghèo trong trường vẫn còn rất nhiều. Vì thế, em mong thầy cô nên có biện pháp hoặc làm sao để các bạn yêu thương nhau hơn, đến trường là để học tập chứ không phải xem xét, so đo nhau về vật chất.

Học sinh Hồng Đào, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa lại đề cập một vấn đề khá thời sự vừa xảy ra gần đây của thành phố là: " Ngoài yêu cầu giáo viên, học sinh phải ứng xử đúng mực, lãnh đạo Sở đã quan tâm tới các bộ phận khác như nhân viên y tế, bảo mẫu, bảo vệ chưa?”.

Các em cũng đã mạnh dạn nêu lên nhiều vấn đề khác như văn hóa xếp hàng khi đi xe bus; hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả, giáo viên chưa hiểu và quan tâm đến suy nghĩ của học sinh; việc giáo dục ở nhà trường chưa bám sát tình hình thực tế; thiếu các chương trình và sân chơi giáo dục kỹ năng cho các em; học sinh tự do hút thuốc, chửi thề ngay bên ngoài cổng trường…

Cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết, cô rất xúc động khi tham dự buổi đối thoại này, nhận thấy các thầy cô cần xem xét lại những gì đã làm với học sinh, cần có những định hướng sao cho phù hợp với xu thế xã hội và mong muốn của học sinh. Đồng thời, cô cũng mong muốn các em cùng chung tay với thầy cô trong các hoạt động của nhà trường.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua 8 kỳ đối thoại được tổ chức từ năm 2009 đến nay, lãnh đạo ngành giáo dục đã được nghe nhiều ý kiến rất xác đáng, cụ thể của các em học sinh. Buổi đối thoại này là cầu nối giúp học sinh thành phố hiến kế những giải pháp tích cực để văn hóa ứng xử học đường ngày càng thân thiện, gần gũi và thiết thực. 

Theo ông Sơn, thầy cô giáo phải quan tâm những nội dung này. Từ phòng giáo dục tới các trường phải tổ chức tập huấn các chuyên đề như cách vào các trang mạng xã hội. Các giáo viên phải chủ động tác động học sinh, phát hiện những chia sẻ tiêu cực của các em để giải thích kịp thời. Còn bản thân học sinh phải biết nhìn nhận thông tin, lọc lại hình ảnh và biết phản bác các tiêu cực. 

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị, các trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức nhiều hoạt động về âm nhạc, thể thao để học sinh tham gia. Lãnh đạo trường chủ động thu xếp thời khóa biểu, phân bổ thời gian hợp lý cho các chuyên đề sinh hoạt ngoại khoá, tiết học ngoài nhà trường. Riêng ý kiến của học sinh, Sở GD- ĐT sẽ ghi nhận để có những chỉ đạo phù hợp.

Huyền Nga - Phan Minh
.
.
.