Học sinh đặt câu hỏi trước nạn chảy máu chất xám

Thứ Ba, 29/03/2016, 16:03
Đó là một trong những tâm tư, nguyện vọng của hơn 160 em học sinh (HS), đại diện cho khối HS phổ thông và khối giáo dục thường xuyên thành phố gửi tới lãnh đạo ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh trong buổi đối thoại trực tiếp vào sáng 29-3.


Em Lê Ngọc Vân Anh (THPT chuyên Lê Hồng Phong) đề cập, nạn chảy máu chất xám hiện nay là có thật khi có một bộ phận không nhỏ du HS không có ý định về nước làm việc và thẳng thắn gửi tới lãnh đạo ngành đề xuất, Sở GD-ĐT thành phố nên có những buổi trao đổi, lắng nghe tâm tư của HS nhiều hơn.

Ngoài ra, cần có những thay đổi về phương pháp dạy và học, các buổi sinh hoạt mang tính thực tế nhiều hơn để HS được phát huy khả năng sáng tạo của mình, không bị áp đặt theo một cách học khô cứng như hiện nay.

HS Thành phố rất muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thực tế hiện nay việc tham nghiên cứu khoa học của HS không được một ưu đãi nào. (Ảnh: Học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP Hồ Chí Minh trong một báo cáo tham gia nghiên cứu khoa học cấp HS thành phố).

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh) phân tích, cần phải nhìn nhận thực tế, khi du HS không muốn quay về vì có thể suy nghĩ cho rằng đất nước lạc hậu. Để khắc phục tình trạng này, bản thân HS phải xây dựng được cho mình một lập trường tư tưởng vững vàng, phải có được suy nghĩ: “Quay về để thay đổi đất nước chứ không phải đợi đất nước đổi thay rồi mới quay về”.

Trăn trở với các công trình nghiên cứu khoa học đã đoạt giải nhưng gần như bị chìm vào quên lãng, em Nguyễn Đặng Kim Cương (THPT Gia Định) lại đề xuất, đối với các nghiên cứu khoa học của HS được đoạt giải, Sở GD-ĐT nên đầu tư thêm và có cách giới thiệu các công trình đó đến với doanh nghiệp để ứng dụng vào thực tế.

Ngoài ra, em Vũ Minh Nhật (THCS-THPT Đinh Thiện Lý) cũng kiến nghị, cần có một quy chế đặc thù cho các HS tham gia nghiên cứu khoa học. Vì thực tế hiện nay cho thấy, việc tham nghiên cứu khoa học của HS hiện không được bất kỳ ưu đãi nào, các em vừa phải thực hiện tất cả các bài kiểm tra trên lớp vừa phải đầu tư nghiên cứu nên rất vất vả. Nếu có cơ chế ưu đãi sẽ khuyến khích được nhiều HS tham gia hơn. Hơn nữa, Sở GD- ĐT nên có một trang web riêng đăng tải các thông báo về nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ học thuật để có thể tự truy cập tham khảo và cập nhật chứ không cần phải qua đường công văn như hiện nay.

Đại diện cho khối giáo dục thường xuyên, em Nguyễn Quốc Duy (TTGDTX quận 7) cho biết, việc thành lập Câu lạc bộ Học thuật tại các TTGDTX rất khó khăn, HS không có điều kiện tiếp xúc và rất xa vời với các kiến thức về nghiên cứu khoa học. Vì thế, các trung tâm mong muốn mỗi tháng sẽ có chuyên viên của Sở GD-ĐT xuống các trung tâm để nói chuyện, phổ biến kiến thức, tạo niềm hứng thú và khích lệ HS .

Lắng nghe các ý kiến, tâm tư của HS, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, Sở sẽ dành riêng một trang web để các HS có nhu cầu trao đổi thông tin, hỏi các thầy, cô về nghiên cứu khoa học bất cứ lúc nào, đồng thời việc tổ chức Ngày hội giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học của HS thành phố là rất cần thiết. Và cũng đề nghị, các thầy cô giáo trong trường cần giúp các em sắp xếp kế hoạch phù hợp giữa học và nghiên cứu, động viên, khuyến khích các em tham gia nghiên cứu khoa học.

H.Nga
.
.
.