Giải bài toán phân luồng và tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao

Thứ Hai, 13/08/2018, 08:19
Bài toán “phân luồng” sau trung học cơ sở (THCS) và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao từ lâu đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục, là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục được đặt ra từ 2 năm nay.

Thế nhưng vì sao mà vấn đề “phân luồng” sau THCS vẫn trong tình trạng nói nhiều mà làm chưa được bao nhiêu?...

Trường nghề chưa được coi trọng!

Trao đổi với PV Báo CAND, cô Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề - kỹ thuật công nghệ (TCN-KTCN) Hùng Vương TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Phân luồng HS khó khăn quá! Nhưng hãy mổ xẻ về vấn đề quan niệm của phụ huynh. Đa phần cho rằng, nếu để con đi học nghề cũng giống như là "kết thúc" chuyện thăng tiến trong cuộc đời. Bởi vậy, một thực tế diễn ra khi tư vấn hướng nghiệp, trường nghề bao giờ cũng được xuất hiện sau cùng. 

Nhiều thầy cô tại trường TPHT còn cho biết, khi tư vấn hướng nghiệp, nhất là với khối học sinh THCS, giáo viên phát hiện trong lớp có những học sinh rất khéo tay, có khả năng sáng tạo, giỏi kiến thức vật lý, cơ khí... muốn hướng các em vào học nghề nhưng chỉ cần đưa ra gợi ý này là cha mẹ các em đã gạt phắt ngay. 

Hầu hết đều hướng con đi tiếp cho hết THPT, khi thấy con em không còn khả năng vào ĐH nữa thì tiếp tục cho con vào học cao đẳng vì "có cái bằng cao đẳng cũng còn danh giá hơn là đi học nghề"; “học nghề là không có danh phận gì!”. Cho nên chuyện "còn nước còn tát" - kiếm bằng được cái bằng để rạng danh với đời là quan niệm bền vững khó thay đổi nhất khiến công tác phân luồng luôn khó khăn”. Thực tế, việc khắc phục công tác “phân luồng” còn quá hời hợt. 

Theo cô Thuỷ, qua mỗi mùa tuyển sinh, trong phiếu nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ của thí sinh, nếu các mục 1 và 2 - ưu tiên cho nguyện vọng cao nhất của thí sinh là đậu vào 1 trường ĐH, thì nguyện vọng sau nên dành chỗ cho học nghề. 

Để từ ngay trên phiếu xét tuyển này đã có chỗ dành cho các trường nghề. Công tác “phân luồng” muốn hiệu quả có lẽ cần có sự phối hợp với các trường phổ thông ở những bước đầu tiên cụ thể như vậy. 

“Thân phận trường nghề còn bị coi rẻ! Khi đại diện các trường nghề vào làm việc với các trường phổ thông, thường chỉ được giới thiệu cho gặp những HS có sức học trung bình và dưới trung bình. Trong khi thực tế nhiều năm nay, nhiều học sinh của trường nghề đã đi thi tay nghề quốc gia, thế giới và đạt nhiều giải cao”, cô Thủy nói.

Các thí sinh Trường TCN-KTCN Hùng Vương TP Hồ Chí Minh đang tích cực luyện tay nghề cho kỳ tranh tài ASEAN 2018 tại Bangkok – Thái Lan vào tháng 9-2018 tại Thái Lan.

Bỏ học đại học, thành “quán quân” trường nghề

Thầy Tô Huỳnh Thiên Trường, Trưởng phòng Hành chính, chuyên gia huấn luyện đội tuyển đi thi tay nghề của Trường TCN-KTCN Hùng Vương TP Hồ Chí Minh  chia sẻ: "Trong đợt thi tay nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội, trong 520 thí sinh trên toàn quốc dự thi ở 26 nghề, Trường TCN-KTCN Hùng Vương có 11 thí sinh dự thi và đã đạt 6 HCV, 2 HCB, 1 giải Khuyến khích; góp phần quan trọng vào thành tích đứng thứ nhì của toàn đoàn TP Hồ Chí Minh". 

Được biết, học sinh nhà trường tham gia tranh tài 8 nghề thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ gồm: cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, robot di động, lắp cáp mạng thông tin, quản trị mạng công nghệ thông tin, bảo trì máy CNC (Computer Numerical Control – những hệ thống máy tiện cơ khí được điều khiển bằng máy tính). 

Hiện nay, 6 học sinh của nhà trường đang tích cực huấn luyện để chuẩn bị đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN 2018 tại Bangkok – Thái Lan vào tháng 9-2018 tới. Và ít ai biết rằng, trong những thí sinh xuất sắc của trường này có không ít học sinh xuất phát điểm là đang học ĐH rẽ ngang đi học nghề.

Như trường hợp em Cao Văn Minh, HCV ngành Bảo trì máy CNC. Minh cho biết, học hết năm 2 đại học GTVT TP Hồ Chí Minh thì cảm thấy mình không tìm thấy mục tiêu để tiếp tục nên đã rẽ sang học trường nghề. Và quyết định này đã mang lại tấm HCV kỳ thi Tay nghề quốc gia 2018. 

Lúc đầu, em phải rất cố gắng để vượt qua rào cản tâm lý của gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, sau khi em giành HCV kỳ thi Tay nghề quốc gia, ba mẹ em rất vui và nhận ra lựa chọn của em là có lý. Đến nay, ba mẹ và em có thể tự tin trả lời với mọi người rằng em đang học nghề tại một trường trung cấp. 

Khi trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Đức Lợi, HCV nghề Bảo trì máy CNC rất vui cho biết: "Hơn 1 tháng nay, đội tuyển chúng em đang tập luyện khẩn trương để chuẩn bị thi đấu tại Thái Lan vào ngày 4-9-2018 và Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Kazan, Liên bang Nga vào tháng 8-2019. Em và các bạn ngày nào cũng làm việc 8 tiếng làm nhuần nhuyễn các dạng bài thi và trao đổi với các thầy để có kết quả tốt nhất. Tuần rồi cả nhóm luyện một bài test thi thử để thử sức mình".

Theo thầy Trường, tại Trường TCN-KTCN Hùng Vương hiện có nghề lâu nay tưởng chỉ hấp dẫn với nam học viên (như sửa chữa xe gắn máy, lắp ráp ôtô) thì lại đang có khá nhiều học viên là nữ theo học. 

Trong nhiều lần nhà trường tiếp đón các đoàn từ doanh nghiệp tới tuyển dụng nhân sự về lĩnh vực công nghệ, cơ khí, khi phỏng vấn các doanh nghiệp đã cho thấy, nhu cầu nhân lực tay nghề mà các ngành nhà trường đang đào tạo thì mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu!.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS/năm. Công tác “phân luồng” sau tốt nghiệp THCS hiện được định hướng vào 4 luồng chính, là: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề, vừa làm vừa học tiếp THPT... 

Tuy vậy phần lớn tại trung tâm đô thị đều có tình trạng học sinh theo hiệu ứng đám đông, học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70% (Hà Nội 75%, TP Hồ Chí Minh 77%...). 

Mới có khoảng 10% học sinh sau THCS được tiếp tục học ở các trường thuộc hệ thống đào tạo nghề nghiệp, vì vậy thật khó lòng để đạt mục tiêu trong 3 năm tới nâng tỉ lệ này lên 30% như mục tiêu đề ra. Trong đó, "rào cản" mà không dễ dàng vượt qua chính là quan niệm của PHHS còn nặng thành kiến với việc cho con em học nghề.

Huyền Nga
.
.
.