Hướng mới liên kết "mở lối" cho học viên trường nghề

Thứ Tư, 30/03/2011, 16:33
Theo thông tư liên tịch được ký giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục - Đào tạo ngày 28/10/2010, trong đó, người học nghề sẽ được học liên thông lên trình độ cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH). Tuy nhiên, người học nghề có nhu cầu học tiếp lên CĐ, ĐH vẫn thường bị "tắc" vì không tìm được nơi đào tạo.

 Để giải bài toán này, Trường Cao đẳng nghề (CĐN) TP HCM đã đi tiên phong trong việc liên kết với Trường ĐHBK Đà Nẵng và ĐHBK Hà Nội để đào tạo liên thông từ trình độ CĐ, CĐN lên trình độ ĐH.

Cửa vào đại học đã mở với học viên trường nghề

Khi tâm sự về nguyên nhân việc HS trường nghề tại TP HCM muốn học liên thông còn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi có trao đổi với TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Bách khoa - một trường có nhiều ngành kỹ thuật tương ứng với hệ thống ngành của các trường nghề, ông cho biết: “Hiện không có chủ trương đào tạo liên thông từ đối tượng học nghề, vì chúng tôi có quá nhiều việc phải làm”.

Còn TS Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP HCM thì giãi bày: "Có lẽ các trường rất ngại mở hệ đào tạo này vì phải xây dựng chương trình chuyển đổi khá mất thời gian, do chương trình khung của đào tạo nghề khác với bên chuyên nghiệp. Chưa kể thêm nhiều thủ tục khác nữa. Chúng tôi đã tìm đến Trường ĐHBK Hà Nội và ĐHBK Đà Nẵng để liên kết đào tạo liên thông, hiện đang tuyển sinh khóa đầu tiên".

Học viên Trường Cao đẳng Nghề TP HCM trong giờ thực hành.

Như vậy, giáo viên của các trường trên phải di chuyển từ Hà Nội hoặc Đà Nẵng vào TP HCM để dạy, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ tốn kém hơn. Trong khi đó, Trường CĐ nghề số 8 (Đồng Nai) lại tìm đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh để liên kết đào tạo liên thông. Khi được biết, trường có ký kết chương trình đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, rất nhiều sinh viên đang học tại Trường CĐN TP HCM và PH của các em đã rất quan tâm đến thông tin này. Chị Nguyễn Thị Tám (Thủ Đức) - PH em Nguyễn Hoài Thu đang học tại Khoa cơ khí động lực cho biết: "Đây là thông tin "sốt dẻo" mà tôi cũng như rất nhiều PH có con em theo học tại Trường CĐN TP HCM quan tâm đặc biệt".

Chị Tám cho biết thêm: Thực sự việc vận động và thuyết phục con tôi thi vào trường nghề là cả một quá trình "gian khổ", do tâm lý các cháu có sự "ganh đua" với bạn bè cùng lớp. Còn anh Hoàng Quốc Hoàn (Tân Phú) cũng là một PH vui mừng cho biết: "Có mặt tại trường để tìm hiểu thêm về thông tin, thủ tục để con em mình được học liên thông lên ĐH, PH chúng tôi rất "hồi hộp". Bởi khi thuyết phục các cháu "lắng nghe" ý kiến của cha mẹ, tự tin thi vào trường nghề đã là cả một quá trình "tìm và hiểu" về bản thân mình. Được biết, sau khi học ra trường hoặc đang học có thể liên thông lên ĐH không riêng gì các cháu mà bản thân PH chúng tôi cũng rất mừng".

Chúng tôi tiếp xúc với em Hoàng Quốc Dũng, Khoa cơ khí động lực, Trường CĐN TP HCM, em cho biết: "Em muốn tốt nghiệp xong đi làm một thời gian để kiếm tiền đã. Bạn bè em cũng nhiều người tính vậy. Nhưng sau khi được nhà trường cho biết, khi ra trường và đi làm các bạn muốn học liên thông nhà trường sẽ ưu tiên để ôn và thi thuận lợi. Thế thì không còn gì bằng!".

Nắm nhu cầu người học và cam kết nguồn tuyển

Theo TS Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐN TP HCM, để chương trình đào tạo đạt được chất lượng cao, nhà trường đã cho nâng cấp và đầu tư mới toàn bộ CSVC, nhà xưởng thực hành, phòng lab… Đến nay đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng theo đúng "chuẩn" đào tạo trình độ ĐH mà hai đối tác đưa ra.

Đội ngũ nhà giáo gồm các Th.S, TS giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế và đã được trường cử đi học nâng cao trình độ trong và ngoài nước sẽ cùng giảng dạy với các giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội, Đà Nẵng. Chương trình liên kết đào tạo liên thông từ CĐ, CĐN lên trình độ ĐH của Trường CĐN TP HCM với Trường ĐHBK Đà Nẵng (hệ chính quy) chính thức được khởi động từ đây. Trong đó, SV tốt nghiệp chương trình CĐ, CĐN thuộc các ngành cơ khí, cơ khí động lực, CNTT, CN hóa thực phẩm; CN điện - điện lạnh và điện kỹ thuật có học lực trung bình trở lên đều có cơ hội bước vào học chương trình này. Tuy nhiên, để đầu vào đạt chất lượng đồng đều, những SV đã có bằng tốt nghiệp hệ CĐ, CĐN đều phải dự thi học liên thông với những môn đúng chuyên ngành.

Được biết, song song với việc liên kết đào tạo ĐH chính quy với Trường ĐHBK Đà Nẵng, Trường CĐN TP HCM còn hợp tác với Trường ĐHBK Hà Nội để đào tạo ĐH theo hệ vừa học vừa làm các nghề: CNTT, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính - kế toán. Đây cũng là một tin vui cho những SV đã tốt nghiệp CĐ, CĐN đã có công ăn việc làm ổn định, muốn học thêm để nâng cao trình độ.

Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐTB&XH TP HCM cho rằng, đây là một mô hình mới, mong rằng qua chương trình này, nhiều người học nghề sẽ được vào học ĐH. Đó cũng là mong mỏi của nhiều PH khi chọn cho con em mình theo học tại các trường nghề

Huyền Nga
.
.
.