Gia tăng bạo lực học đường: Gia đình đang buông lỏng giáo dục trẻ
- Từ câu chuyện bạo lực học đường
- Bạo lực học đường kéo lùi giáo dục
- Sẽ khảo sát, đánh giá căn nguyên thực sự của nạn bạo lực học đường
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, trung bình một năm học trong toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân 5 vụ/ngày; cứ hơn 5.200 học sinh có một vụ bạo lực và trong 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau.
Tại cuộc Tọa đàm “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” do Báo Kinh tế đô thị phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 4-4, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy-Hà Nội) chia sẻ: “Với hơn 20 năm trong nghề và có nhiều năm làm công tác quản lý, tôi nhận thấy, mỗi lứa học trò, mỗi thế hệ học sinh có những diễn biến tâm lý rất khác nhau. Tôi cùng các thầy cô giáo trong trường đã nhìn thấy và tìm rất nhiều biện pháp để khắc phục, nhưng tôi tin là không một nhà trường nào dám khẳng định trường mình không có bạo lực học đường”.
Nhà trường và gia đình cần phối phợp khăng khít hơn trong việc giáo dục giá trị sống cho học sinh. |
Cũng theo bà Nhiếp, việc giáo dục và tác động vào tâm sinh lý, hành vi của học sinh được tạo nên bởi chiếc kiềng 3 chân: Gia đình, xã hội và nhà trường. Trong đó, vai trò của gia đình rất quan trọng vì tác động trực tiếp, từ khi trẻ mới sinh ra tới khi trưởng thành.
Tuy vậy, hiện nay vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ đang có phần bị xem nhẹ, buông lỏng. Nhiều gia đình phụ huynh đang quá mải mê làm kinh tế, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, ông bà hoặc người thân trong gia đình.
“Qua các giờ lên lớp, qua trao đổi với các em, tôi thấy học trò rất cô đơn. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Do vậy, cả gia đình, nhà trường cần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn” - bà Nhiếp nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng: “Chúng ta phải thống nhất trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà trường khi xảy ra bạo lực học đường. Nhà trường phải có trách nhiệm trong đào tạo học sinh như thế nào hợp lý, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Nhưng về phía gia đình, cũng không phải là không có trách nhiệm. Tôi mong muốn phải thay đổi nhận thức của gia đình trong việc cùng phối hợp với nhà trường để dạy trẻ. Dạy trẻ không chỉ là lời nói “con phải thế này, phải thế kia” mà phải đồng hành cùng trẻ, là tấm gương cho trẻ”.
Cũng theo phân tích của TS Nguyễn Tùng Lâm, người kết nối giữa gia đình và nhà trường là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nhưng đáng tiếc, trong nhà trường hiện nay, vai trò của GVCN lại đang bị xem nhẹ. Hiện 4 tiết GVCN không có kinh phí. Vì thế, cần phải thay đổi chính sách đối với GVCN, họ phải là nhà sư phạm như thế nào, được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào cần ghi rõ.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn học đường, cô Hoàng Bảo Ngọc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm- Hà Nội cũng thừa nhận: Thường những vấn đề tâm lý của học sinh không do gia đình phát hiện báo cho nhà trường, mà do các GVCN đề xuất đến phòng tâm lý và Ban giám hiệu. Sau đó, các thầy, cô quan sát biểu hiện của học sinh, tâm sự với các con.
Hiện các phòng tâm lý của nhà trường có các bộ câu hỏi, có các thầy cô tư vấn tâm lý cho các con, nhưng để giải quyết được tận gốc vấn đề của các con phải từ phía gia đình, đặc biệt là phụ huynh của các em.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong giáo dục giá trị sống cho trẻ em. Ông Tuấn cho rằng, những vụ bạo lực học đường chỉ là điểm nút cuối cùng của sự việc và đang diễn biến âm thầm nhưng phức tạp.
Hiện nay ở Hà Nội, các trường đã áp dụng hình thức cho các em viết những điều muốn nói, tập hợp lại và gửi đến bố mẹ trong kỳ họp phụ huynh hàng năm, hàng quý. Từ đó nhiều phụ huynh rất bất ngờ trước những điều chia sẻ các con mình. Có em tâm sự bị kỳ thị, ngay cả chiếc xe đạp của em để trong nhà xe cũng bị các bạn tránh xa.
Do đó, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình phải liên tục khăng khít, sát sao với các em.
Ông Ngô Văn Nam -Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho biết: Về góc độ gia đình, sự nêu gương của bố mẹ rất quan trọng. Nhưng hiện nay, những xung đột của bố mẹ không được che đi trước mặt trẻ thơ, để cho các em chứng kiến; chính hành vi đó các em học nhanh nhất. Đối với nhà trường, rất chia sẻ với thầy cô luôn chịu áp lực lớn khi dạy các em.
Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà trường hiện nay chưa đề cao môn giáo dục công dân. Thông thường, giáo viên không sắc sảo thì sắp xếp dạy môn giáo dục công dân, chưa đưa giáo dục quyền con người vào môn học này. Tiếp theo là việc xử lý tình huống của các thầy cô khi bạo lực xảy ra chưa được bài bản, dẫn đến mâu thuẫn đôi khi còn lớn hơn.