Đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư CAND luôn đồng hành, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc

Chủ Nhật, 08/04/2018, 09:18
15 năm qua (2002-2017), Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh đã xét chọn, đề xuất Nhà nước công nhận được 50 Giáo sư, hơn 300 Phó Giáo sư cho CAND. 

Đặt nền móng cho một trường phái khoa học Việt Nam

Do điều kiện chiến tranh, việc hình thành các cơ sở giáo dục đại học của Bộ Công an muộn hơn các ngành, nên đội ngũ các Giáo sư, Phó Giáo sư CAND cũng mỏng hơn các ngành bạn.

Năm 1990, lực lượng CAND mới có 2 Phó Giáo sư đầu tiên là Trung tướng Phó Giáo sư Dương Thông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và Đại tá Phó Giáo sư Phạm Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Trước năm 2002, do số cán bộ khoa học CAND có trình độ cao còn ít nên Nhà nước phải thành lập Hội đồng chức danh Giáo sư Liên ngành Quốc phòng – An ninh do Trung tướng Đỗ Trình, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch.

Năm 2002, Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Quốc phòng – An ninh đã họp xét và đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận 6 Giáo sư đầu tiên cho CAND. 

Có được đội ngũ cán bộ khoa học cốt cán ban đầu, tháng 10 năm 2002, theo đề nghị của lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã quyết định thành lập Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh và cử GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, Cục trưởng Cục Quản lý khoa học Bộ Công an làm Chủ tịch Hội đồng. 

Từ đây, lực lượng Công an đã có thể độc lập xét chọn các chức danh khoa học, nhà giáo cho CAND.

Học viện CSND tổ chức trao quyết định bổ nhiệm chức danh cho các tân Giáo sư ngành Khoa học An ninh.

15 năm qua (2002-2017), Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh đã xét chọn, đề xuất Nhà nước công nhận được 50 Giáo sư, hơn 300 Phó Giáo sư cho CAND. 

Từ 1 Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở năm 2002 đến nay, trong CAND đã có 4 Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở của Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị CAND, liên trường Đại học An ninh nhân dân – Đại học Cảnh sát nhân dân. Chính đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có trình độ cao này đã làm nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo trong CAND.

Các Giáo sư, Phó Giáo sư CAND đã góp phần nghiên cứu, đề xuất và tham gia tích cực vào xây dựng các Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược An ninh quốc gia, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm, tham gia xây dựng hàng trăm Bộ luật, luật, pháp lệnh, Nghị định, thông tư về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tổng kết các chuyên án lớn, các cuộc vận động lớn của CAND.

Các Giáo sư, Phó Giáo sư CAND dưới sự chỉ đạo của Đại tướng GS.TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), Thượng tướng GS.TS Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã hệ thống hóa và biên soạn những công trình đặt nền móng cho một trường phái khoa học Việt Nam như: Khoa học hình sự Việt Nam, Tội phạm học Việt Nam, Khoa học Trinh sát Việt Nam, Khoa học Công an Việt Nam,v.v.

Góp phần xây dựng, phát triển mô hình đào tạo Công an Việt Nam

Nhắc đến sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ các Giáo sư, Phó Giáo sư CAND là nhắc đến việc họ đã góp phần xây dựng và phát triển mô hình đào tạo Công an Việt Nam. 

Mô hình đào tạo Công an Việt Nam là sự kết hợp giữa mô hình đào tạo đại học Công an (Police University) của Liên Xô, Trung Quốc và mô hình đào tạo nghề Công an (Police Job) của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước tư bản chủ nghĩa đã được cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ Công an thành lập. 

Đến nay, chúng ta đã xây dựng được một nền giáo dục đào tạo Công an cơ bản được dựa trên những hệ thống lý luận vững chắc, gắn với thực tiễn đã góp phần tạo ra những sỹ quan, hạ sỹ quan An ninh, Cảnh sát Việt Nam vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, đánh thắng mọi kẻ thù và các loại tội phạm. 

Trình độ các Giáo sư, Phó giáo sư CAND Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao. Từ năm 2010 đến nay Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã mở 2 khóa Thạc sỹ liên kết về lãnh đạo, quản lý tư pháp hình sự với Trường ĐHTH Maryland, Hoa Kỳ - cơ sở đào tạo hàng đầu về tư pháp hình sự của Hoa Kỳ. 

Các Giáo sư của Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã đảm nhiệm giảng dạy 3/10 môn học và được ĐHTH Maryland chấp nhận để trường bạn cấp bằng Thạc sỹ.

Để góp phần đào tạo những sỹ quan Công an luôn đáp ứng được yêu cầu, công tác và chiến đấu, người thầy giáo CAND phải có được 4 yêu cầu: tâm huyết nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực tiễn. 

Không thể có các sinh viên Công an giỏi và trong tương lai là những sỹ quan, hạ sỹ quan Công an giỏi, nếu người thầy giáo chỉ làm việc ở nhà trường, ít kinh nghiệm thực tiễn. 

Dĩ nhiên để có kinh nghiệm thực tế, hàng năm các thầy cô giáo Công an có thể đi khảo sát, nghiên cứu thực tế. Nhưng một mô hình quản trị đại học Công an tối ưu là thầy giáo Công an chỉ nên công tác ở Nhà trường khoảng 50% cuộc đời làm việc, còn lại 50% thời gian công tác phải đi luân chuyển thực tiễn.

Để gắn đào tạo với thực tiễn, những năm gần đây Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã có chính sách luân chuyển giáo viên các Trường CAND đi thực tế.

Từ năm 2010 đến nay đã có hàng trăm lượt giảng viên các nhà trường Công an được luân chuyển xuống các đơn vị chiến đấu với thời gian từ 2-5 năm ở nhiều chức danh từ làm cán bộ Công an phường, Công an huyện đến làm Trưởng, Phó phòng, Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. 

Mô hình này qua một số năm thực hiện cho kết quả rất tốt. Sau một số năm luân chuyển thực tiễn, các thầy cô giáo Công an được điều quay trở lại các Trường Công an. Đồng thời, Bộ Công an cũng thiết lập một hệ thống giảng viên thỉnh giảng rộng rãi từ Trung ương tới địa phương bao gồm các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các điều tra viên, trinh sát viên, cán bộ thực tiễn có khả năng sư phạm, tâm huyết với giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Đây là những người trực tiếp chỉ đạo hoặc trực tiếp tiến hành các chuyên án lớn, các hoạt động an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong số gần 1000 giảng viên thỉnh giảng CAND hiện nay đang công tác tại Công an các đơn vị, địa phương, nhiều giảng viên thỉnh giảng xuất sắc đã được xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và rất tích cực tham gia vào công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học của lực lượng.

Hiện nay ngoài Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Công an thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an với nhiều Tiểu ban về Khoa học Công an. Mô hình này được Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá cao. Cơ chế Hội đồng này cũng tạo điều kiện cho các nhà Khoa học trong CAND tham gia nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo.

Đổi mới, vươn lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã và đang là điểm đến an lành của bạn bè quốc tế. Xã hội Việt Nam có sự đồng thuận xã hội cao, ít xung đột xã hội. 

Một trong những nguyên nhân của sự thành công này là nền an ninh Việt Nam là nền an ninh toàn dân, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó lực lượng CAND làm nòng cốt. 

Nếu như Khoa học Quân sự Việt Nam là Khoa học toàn dân đánh giặc thì Khoa học An ninh Việt Nam là Khoa học toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. 

Với việc hàng năm tham gia từ 200-300 diễn đàn, hội thảo quốc tế, các Giáo sư, Phó Giáo sư và các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn Công an Việt Nam đã và đang chia sẻ với bạn bè quốc tế kinh nghiệm bảo vệ an ninh Tổ quốc của Việt Nam. 

Nhiều công trình khoa học đã được tổng kết, xuất bản bằng tiếng Việt và nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm của các Giáo sư, Phó Giáo sư CAND Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Đất nước trên đường hội nhập, bên cạnh những thời cơ cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức mới về an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, an ninh mạng, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, tranh chấp biển đảo,v.v... 

Để giải quyết các vấn đề trên rất cần nghiên cứu các kinh nghiệm tốt của bạn bè quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của CAND Việt Nam nói chung, giáo dục đào tạo CAND nói riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư CAND Việt Nam đã và đang vươn lên, nâng cao trình độ. 

Một số lĩnh vực như Kỹ thuật hình sự, Phòng cháy chữa cháy, quản lý nhà nước về an ninh trật tự, An ninh phi truyền thống… rất cần có nhiều Giáo sư, Phó giáo sư và chuyên gia giỏi. 

Đồng thời, tăng cường đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư ở các cơ sở giáo dục đào tạo phía Nam, bổ sung nhiều các chương trình đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng Anh do các Giáo sư, Phó giáo sư CAND đảm nhiệm.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
.
.
.