Để không còn tình trạng quá nhiều bài thi bị điểm "liệt"
Xem lại cách dạy Bảng công bố điểm tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chi Minh cho thấy, điểm thi Toán và Anh văn có tỉ lệ khá cao dưới trung bình. Môn Toán có tới 126 bài toán điểm 0. Có tới 39.484 thí sinh (TS) có điểm môn Toán dưới trung bình, chiếm 49,62% tổng số bài thi. Được biết, số TS dự thi môn Toán (trường thường) toàn thành phố là 73.426 em. 126 bài thi Toán điểm "liệt", tức là các em dường như bỏ giấy trắng mà không làm bài.
Kết quả thê thảm này đúng như nhận định của một số giáo viên ngay sau giờ thi Toán sáng 3-6: Đề thi mang tính thực tế nhưng lạ với nhiều học sinh (HS), điểm môn Toán năm nay sẽ rất khó lường; phổ điểm môn Toán HS trung bình sẽ nhận được khoảng 5-6 điểm, HS khá giỏi cũng chỉ từ 8- 9 điểm; nhiều em có thể mất điểm ở câu C....
Nhiều thí sinh rất tự tin sau khi ra khỏi phòng thi môn Toán nhưng kết quả chung khá bất ngờ. |
Còn nhớ, trong năm 2017, kỳ thi tuyển sinh 10, theo tổng kết của ngành Giáo dục thành phố, có gần 50% TS đạt điểm trên trung bình môn Toán. Còn so với năm 2018, TS có điểm trung bình môn Toán năm 2019 tăng hơn được 1,63%. Nhìn rộng ra, theo công bố điểm thi tuyển sinh 10-2019 của tỉnh Khánh Hòa, trong số 13.200 em dự thi 3 môn, điểm Toán đạt điểm trung bình cao nhất nhưng lại có 668 bài bị điểm 0, tập trung nhiều ở các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh và TP Cam Ranh.
Điều này cũng gây bất ngờ với các giáo viên Toán và đặt dấu chấm hỏi lớn cho các nhà quản lý giáo dục. Trả lời về 126 bài Toán có điểm 0, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, đề thi Toán năm nay có nhiều yếu tố "mới" nhưng nhiều thầy cô cũng không hiểu sao có chừng ấy bài bị điểm 0.
Ông Hiếu cho rằng, ngay sau khi thi xong môn Toán, nhiều người nhận định đề Toán hay, nhưng các thầy cô cũng dè dặt đưa ra nhận xét, đề mới lạ nên chắc chắn nhiều HS sẽ thấy khó. Thầy Nguyễn Đăng Khoa (huyện Bình Chánh), giáo viên dạy Toán nhận định và phân tích khá kỹ: "Các câu hỏi trong đề thi Toán gắn với thực tế và mới lạ khiến học sinh chưa quen và có nhiều em lúng túng khi làm bài.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có cả các kiến thức các lớp 6, 7, 8 nên nhiều em chưa quen và chưa ôn tập kĩ dẫn đến mất điểm khi kiến thức có thể do quá lâu không xem lại. Vì đề thi sẽ có nhiều đổi mới nên giáo viên cũng nên đổi mới cách giảng dạy, ôn tập".
Theo ý kiến thầy Khoa, các trường khối THCS nên có những định hướng rõ ràng trong năm học tới, đó là tiết học chính khóa trên lớp, giáo viên vẫn dạy những kiến thức trọng tâm của bài học theo chương trình như cần ôn tập, dạy thêm những bài Toán thực tế theo từng chủ đề trong những tiết học ngoài giờ để học sinh dễ tiếp cận.
Nên định hướng ngay từ đầu Ngoài việc cần phải điều chỉnh lại cách dạy, cách học trong các trường cho phù hợp với xu hướng ra đề, một giáo viên khối THPT tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng, cách ra đề thi trong các mùa tuyển sinh gần đây cho thấy xu hướng “đề mở", tức đề không dành cho những cho TS “học tủ”, nhất là các môn đòi hỏi kiến thức tư duy, và hiện nay là kiến thức – kỹ năng liên hệ thực tế.
Ngoài ra, để đạt được kết quả thi tốt tuyển sinh 10, không phải chỉ ôn luyện kiến thức lớp 9, mà TS cần phải được rèn luyện từ năm lớp 6 với những bài thi mang hướng "mở", liên hệ, kinh nghiệm thực tiễn. Nếu đến lớp 9 mới ôn tập thì các TS sẽ gặp phải sự cập rập, không kịp. Tại khối các lớp 6, 7, 8, ngành nên đưa những dạng Toán thực tế vào dạy để HS làm quen. Môn Toán năm nay cho thấy, trong công tác giảng dạy, thầy cô phải dạy kĩ những câu cơ bản làm sao cho HS nắm được, vì điểm “liệt” có nghĩa là mất hầu hết kiến thức cơ bản.
Giáo viên này cũng cho biết, theo phổ điểm kết quả thi 10 tại TP Hồ Chí Minh, dự đoán điểm chuẩn sẽ hạ hơn so với năm 2018 nhưng liên quan tới nhóm các trường tốp giữa (bao gồm các trường THPT: Marie Curie, Hùng Vương, Trần Khai Nguyên, Mạc Đĩnh Chi, Phú Nhuận, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám…).
Ngoài ra, các trường THPT 2 năm qua có mức điểm chuẩn dưới 30 (như: Nguyễn Thị Diệu - quận 3; Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Thọ - quận 4; Nguyễn Văn Tăng - quận 9) dự báo cũng sẽ hạ điểm chuẩn. Liên quan tới 668 bài thi môn Toán bị điểm 0 tại Khánh Hoà, theo giải thích của lãnh đạo Sở GD&ĐT Khánh Hoà, đề thi Toán năm nay tập trung chương trình lớp 9. Nhưng kết quả lại có quá nhiều điểm 0 là do trước thi, Sở phát hiện nhiều HS không đăng ký thi, muốn vào học thẳng tại các trường nghề, trường dân lập, nhưng do nhiều phụ huynh đã đến Sở xin cho con dự thi nên Sở tạo điều kiện.
Cách trả lời trên của lãnh đạo Sở GD&ĐT Khánh Hoà nhằm lý giải điểm “liệt” quá nhiều một phần do TS không muốn thi vào trường công nhưng bị cha mẹ "ép" nên phải thi. Nhưng nếu thế sẽ thấy sự thiếu sự gắn kết rất cần thiết giữa giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Toán với nhà trường và phụ huynh. Có dấu hiệu cho thấy các thầy, cô chưa kịp thời báo cáo với nhà trường về vấn đề yêu thích học môn Toán hay có ý định cho con đường học tập tiếp hay không sau khi thi tốt nghiệp THCS, tức là bài toán phân luồng ngay sau THCS cho phù hợp chưa được quan tâm thấu đáo.
Ngoài ra, để xảy ra tình trạng có hàng trăm bài điểm “liệt” môn Toán, phải chăng khi trên lớp, thầy cô giảng những kiến thức cơ bản nhất nhưng vì lý do gì đó mà HS cũng không nắm được khiến tình trạng "mưa" điểm 0 như vậy. Nếu TS không muốn thi vào lớp 10 và chỉ muốn học nghề cũng không có nghĩa là không làm bài để bị điểm “liệt”.
Các TS đều là những HS đã tốt nghiệp cấp 2 và đăng ký thi vào lớp đầu cấp 3. Như vậy, cần xem lại việc đánh giá xếp loại cuối năm lớp 9 của những HS này để tìm ra nguyên nhân của gần 700 bài thi Toán bị điểm “liệt”, đồng thời xem lại cả kết quả môn Văn nữa. Có thế mới đánh giá khách quan việc dạy và học tại địa bàn. Việc kỳ tuyển sinh năm nay của TP Hồ Chí Minh có 126 bài Toán bị điểm 0 được cho là “đáng báo động”.
Tuy nhiên, cũng có tới 228 bài môn Toán và 56 bài anh thi Anh văn đạt điểm tuyệt đối (môn Ngữ văn không có điểm 10). Như vậy, việc định hướng cho HS ngay từ đầu năm tại các trường về cách ra đề thi 10 theo hướng mở, có phần liên hệ thực tế là rất cần thiết. Được biết, ngay từ khi HS đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, các phòng GD&ĐT quận, huyện đã phổ biến kỹ cho các trường.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, không có chuyện bắt buộc các trường phải có tỉ lệ bao nhiêu HS thi đậu vào các trường lớp 10 công lập. Giáo viên, phụ huynh HS đã phối hợp kỹ trước khi ghi nguyện vọng đăng ký của HS vào hồ sơ. Khi đã có kết quả thi, qui định của ngành rất rõ, đó là tuyệt đối không được thay đổi nguyện vọng. Điều này phụ huynh HS hết sức lưu ý trong tất cả các đợt tuyển sinh đầu cấp.