Chấm thi THPT quốc gia 2019: Mã hóa dữ liệu để hạn chế tối đa gian lận

Thứ Bảy, 29/06/2019, 14:40
Năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường bảo mật bằng các cách mã hóa, ngay cả với đáp án chấm trắc nghiệm. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử. Người chấm nhìn thấy bài thi sẽ không thấy phách, còn nhìn thấy phách sẽ không thấy bài thi. 

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 14-7 sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Để đảm bảo đúng tiến độ, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, các địa phương chủ trì chấm tự luận và trường đại học (ĐH) được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm đã tăng tốc cho việc chấm thi. Bộ GD&ĐT cũng sẽ hỗ trợ bằng việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa gian lận.

Địa phương và trường đại học cùng “tăng tốc” chấm thi 

Khác với năm 2018, năm nay các Sở GD&ĐT thuộc 63 tỉnh, thành chỉ đảm nhiệm chấm các bài thi tự luận của kỳ thi, cụ thể là môn Ngữ văn. Các bài thi trắc nghiệm khách quan còn lại sẽ do các trường ĐH trực tiếp chủ trì chấm. 

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh dự thi trên địa bàn Hà Nội đã được bàn giao cho trường ĐH để triển khai công tác chấm thi. 

Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 vào ngày 14-7.

Năm nay, Bộ GD&ĐT phân công ĐHQGHN là đơn vị chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm cho thí sinh dự thi tại Hà Nội. Riêng bài thi tự luận, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chủ trì chấm thi với sự tham gia của giáo viên có kinh nghiệm được huy động từ các trường THPT trên địa bàn. 

Năm nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 74.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, tương ứng với khoảng 74.000 bài thi môn Ngữ văn. Để việc chấm thi tự luận đảm bảo đúng tiến độ, Bộ GD&ĐT cho phép một số địa phương có đông thí sinh dự thi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể huy động thêm giáo viên của các trường ĐH tham gia chấm thi nếu có nhu cầu.

Tại Nghệ An, năm 2019 có khoảng 31.724 bài thi tự luận môn Ngữ văn sẽ do Sở GD&ĐT phụ trách chấm. Tổng số bài thi quét chấm trắc nghiệm là 96.636 bài thi sẽ do ĐH Vinh phụ trách chấm theo phân công của Bộ GD&ĐT. 

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện nay, toàn bộ bài thi tự luận đã được tập kết và chuyển đến địa điểm làm phách, chấm thi. Năm nay, Nghệ An sẽ thực hiện chấm thi tập trung, cách ly hoàn toàn. Cán bộ đến chấm thi, thư ký, thanh tra đến kiểm tra chấm thi đều cắt mọi thông tin liên lạc cho đến khi chấm thi xong. Các khâu chấm thi từ làm phách, chấm, vào điểm hoàn toàn biệt lập với nhau, đảm bảo bí mật, an ninh, an toàn.

Năm 2019, toàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 8.000 bài thi tự luận môn Ngữ văn do Sở GD&ĐT chủ trì chấm thi được làm phách từ ngày 29-6 để  có thể bắt tay vào việc chấm thi ngay từ đầu tháng 7. 

Đại diện Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, dự kiến đến ngày 6-7, sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận. Riêng với bài thi trắc nghiệm, Sở này cũng bàn giao toàn bộ bài thi cũng như các phòng trang bị máy chấm cho trường ĐH sư phạm Hà Nội, đơn vị được Bộ GD&ĐT giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm. 

Thông tin thêm về việc chấm thi trắc nghiệm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, nhà trường và địa phương cũng đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng. 

Trước kì thi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã có sự phối hợp để xem xét các máy quét thế nào, có những thay đổi gì về mặt kĩ thuật. Hiện tại có hơn 10 đồng chí giảng viên đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Các đồng chí này trước đây từng làm công tác chấm thi trắc nghiệm nên lãnh đạo nhà trường tương đối yên tâm. 

Muốn đọc được dữ liệu, phải có khóa giải mã

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với việc chấm thi trắc nghiệm, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường bảo mật bằng các cách mã hóa, ngay cả với đáp án chấm trắc nghiệm. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử. Người chấm nhìn thấy bài thi sẽ không thấy phách, còn nhìn thấy phách sẽ không thấy bài thi. 

Quy trình bảo quản bài thi trắc nghiệm tại phòng chấm thi trắc nghiệm cũng được thực hiện chặt chẽ hơn. Khi quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định. Cán bộ sẽ sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc thành 3 bộ đĩa giống nhau. 

Số đĩa này được bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi, ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, và gửi về Bộ GD&ĐT. Các dữ liệu đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã. 

Đây cũng chính là một trong những lý do để Bộ GD&ĐT chưa công bố ngay đáp án sau khi môn thi cuối cùng kết thúc như mọi năm mà sẽ công bố vào thời điểm thích hợp sao cho đáp ứng hai mục tiêu: Phù hợp tiến độ chấm thi và có thêm kênh giám sát để có đủ thời gian xử lý. 

Trong phòng chấm thi trắc nghiệm, camera sẽ ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, chấm thi. Đồng thời, bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm. 

Với việc chấm bài thi tự luận, sẽ tiến hành chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% bài thi. Riêng tất cả các bài thi điểm cao môn Ngữ văn sẽ được đưa ra chấm đối sánh, chấm thẩm định. Quá trình vào điểm thi cũng được thực hiện 2 lần để tránh nhầm lẫn. 

Từ nay đến ngày 14-7, thời điểm công bố điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương

Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: Hiện tại, các đoàn thanh tra chấm thi của Bộ đã xuất quân, có đoàn đã tiếp nhận tại địa phương. Năm nay bên cạnh 2 cán bộ từ trường đại học, đoàn thanh tra chấm thi còn huy động thêm 1 chánh thanh tra, hoặc phó chánh thanh tra Sở GD&ĐT nhưng không thực hiện nhiệm vụ tại địa phương mình. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức giám sát các đoàn thanh tra, bảo đảm cán bộ thanh tra làm hết nhiệm vu, tránh tình trạng cán bộ thanh tra của trường ĐH bỏ vị trí như đã từng xảy ra tại Hà Giang trong năm 2018. (PV)


Huyền Thanh
.
.
.