Đăng ký quá nhiều nguyện vọng: Thí sinh rất dễ trượt “oan”!

Thứ Hai, 13/05/2019, 08:53
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, năm 2019, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) là hơn 653 nghìn, giảm khoảng 5,14% so với năm 2018.


Theo các chuyên gia tuyển sinh, để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh không nên “tham” quá nhiều nguyện vọng, đồng thời cân nhắc thứ tự các nguyện vọng để tránh tình trạng ngành yêu thích thì “trượt oan”, còn ngành không thích thì đỗ.

Thông tin về công tác tuyển sinh ĐH, ĐH năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 là 653.278 em/887.173 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, giảm 5,14% so với năm 2018.

Sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển một lần duy nhất.

Thống kê theo tổ hợp đăng ký dự thi, thí sinh đăng ký đông nhất ở tổ hợp D01 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán) chiếm 30,74%. Sau đó là tổ hợp A00 (Hóa học, Toán học, Vật lý) chiếm 28,04%. Tổ hợp A01 (Tiếng Anh, Toán, Vật lý) chiếm 12,86%. Tổ hợp C00 (Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý) chiếm 9,64%. Tổ hợp B00 (Hóa học, Sinh học, Toán) chiếm 8,73%. Các tổ hợp còn lại chiếm gần 10%.

“Hiện các trường trên cả nước tuyển sinh 138 tổ hợp các môn nhưng 5 tổ hợp truyền thống (D01, A00, A01, C00, B00) vẫn được đa số các trường sử dụng để tuyển sinh cũng như đa số các thí sinh lựa chọn, chiếm 90% số nguyện vọng đăng ký. Như vậy, có thể thấy, các trường vẫn chọn những môn cốt lõi làm điều kiện xây dựng tổ hợp tuyển sinh. Những tổ hợp môn thi “lạ” năm nay không còn, do những năm trước, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển các tổ hợp này rất ít”-bà Phụng chia sẻ.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp là 489.637 chỉ tiêu, tăng 7,57% so với năm 2018. Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia là 341.840 chỉ tiêu, chiếm 69,81%. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 653.278, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.573.205. Như vậy, năm nay bình quân mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, qua việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng của thí sinh cho thấy, phần lớn các em đều có ý thức, trách nhiệm với nguyện vọng của mình. Các em đăng ký khá tập trung, không chọn quá nhiều nguyện vọng, không chọn quá nhiều trường. Tuy nhiên, bà Phụng cũng cho biết, vẫn có một số thí sinh chọn nguyện vọng tràn lan theo kiểu "rải mành mành”. Đơn cử có 1 thí sinh ở Hà Nội chọn tới 50 nguyện vọng.

“Về lý thuyết, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyên vọng nhưng các em sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất phù hợp với điểm thi ở mỗi đợt xét tuyển. Nếu các em đã chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều thì nên đăng ký xét tuyển từ ba đến năm nguyện vọng, trong đó, có nguyện vọng thấp hơn năng lực, nguyện vọng bằng với năng lực và nguyện vọng cao hơn năng lực để định hướng phấn đấu. Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, đăng ký vào những ngành, trường không phù hợp với năng lực của mình”, bà Phụng lưu ý.

Chia sẻ thêm thông tin đối với thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2019, TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tuyển sinh đến từ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng cho rằng:  “Sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ có một lần duy nhất được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh trước khi đặt bút chọn nguyện vọng, phải nắm được một số nguyên tắc cơ bản. Đó là không hạn chế nguyện vọng, các em được đăng ký nguyện vọng thoải mái, nhưng thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều.

Nguyên tắc nữa là các trường xét tuyển không phân biệt thứ tự các nguyện vọng và cuối cùng là nguyên tắc “an toàn”, đăng ký theo 3 bậc từ cao, trung bình, thấp, phương pháp đăng ký phải đúng, vì nếu đăng ký hết ngành cao sẽ rất dễ trượt”.

Còn theo chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đối với phương thức xét tuyển theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh khi đăng ký nguyện vọng ở mỗi trường có nhiều tổ hợp xét tuyển vào cùng một ngành hoặc có nhiều ngành học cùng xét tuyển ở một tổ hợp nên cân nhắc kỹ để lựa chọn tổ hợp xét tuyển mình có thế mạnh hoặc ưu tiên cho ngành học yêu thích nhất, phù hợp năng lực, tố chất của mình.

Việc các thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí và dễ rơi vào tình trạng ngành yêu thích thì “trượt oan” còn ngành không thích thì lại đỗ.

Huyền Thanh

.
.
.