Thí sinh nên làm gì để tránh bị “trượt oan”?

Thứ Bảy, 23/07/2016, 17:03
Các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn theo ngành trước khi đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển và hạn chế tối đa tình trạng “điểm cao nhưng vẫn trượt”.


Thí sinh gian lận sẽ bị mất quyền lợi

Lo ngại về tình trạng thí sinh ảo do mỗi thí sinh được đăng ký tới 4 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển, tại Ngày hội Tư vấn xét tuyển được tổ chức vào 23/7 tại Hà Nội, nhiều thí sinh đã đặt câu hỏi chất vấn đại diện Bộ GD&ĐT rằng: “Bộ và các trường phải làm thế nào để tránh tình trạng “ảo”? Nếu thí sinh nộp quá nhiều nguyện vọng thì làm thế nào kiểm soát được, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh?”.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Nếu thí sinh đăng kí trực tuyến thì thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng kí quá nhiều nguyện vọng. Những hồ sơ của thí sinh gửi theo đường bưu điện sẽ được cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống. Nếu nguyện vọng nào tới trước được nhập trước, nếu thí sinh nộp quá nguyện vọng cho phép thì nguyện vọng gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm.

Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2016 tại Ngày hội tư vấn xét tuyển do Báo Tuổi trẻ và Bộ GD&ĐT tổ chức .

“Ví dụ, trường hợp thí sinh gian lận nộp hồ sơ vào 4 trường, phần mềm xét tuyển chỉ tự động nhập 2 trường ngẫu nhiên. Như vậy, thí sinh sẽ thiệt thòi khi có thể không được học đúng chuyên ngành hoặc trường mình thích. Do đó, thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ tự đánh mất cơ hội của mình”- ông Nghĩa đưa ra khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi của các thí sinh về việc nếu hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh tính theo dấu bưu điện vẫn hợp lệ nhưng đến sau ngày 14-8 thì có được xét tuyển không?

Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: Bộ GD&ĐT đã phối hợp với ngành bưu điện để đảm bảo hạn chế những tình huống có thể phát sinh ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh. Khi đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, các bưu cục sẽ yêu cầu thí sinh khai bản đăng ký, trong đó có số báo danh của thí sinh, mã trường đăng ký xét tuyển. Các dữ liệu này sẽ được tập hợp và chuyển cho Bộ GD&ĐT ngay sau khi hết thời hạn đăng ký xét tuyển để Bộ cập nhật lên hệ thống và chuyển cho các trường.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Điểm chuẩn các trường top trên tăng hay giảm?

Một trong những vấn đề được thí sinh quan tâm và đặt nhiều câu hỏi tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đó là để việc đăng ký xét tuyển hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng “điểm cao nhưng vẫn trượt” cần dựa trên những cơ sở nào?

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy Lợi Hà Nội cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng mà thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường là điểm chuẩn năm trước của trường hoặc của ngành đó.

Thông thường, điểm chuẩn có thể có biến động nhưng với phương thức tuyển sinh như hiện nay, sự biến động đó không lớn, khó có thể xảy ra đột biến. Đơn cử như, năm ngoái điểm chuẩn vào ngành B của trường A là 25 thì năm nay thí sinh có mức điểm từ 25 trở lên sẽ có thể nằm trong khu vực an toàn nếu đăng ký xét tuyển vào ngành đó.

Một lưu ý khác là khi đăng ký xét tuyển, thí sinh không chỉ tham khảo điểm chuẩn của trường mà cần lưu ý cả điểm chuẩn của từng ngành vì trong cùng một trường, điểm chuẩn của các ngành khác nhau cũng có sự phân hóa rất mạnh.

Lưu ý thêm với thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành, TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhấn mạnh: Năm nay, các trường CĐ không bị khống chế điểm sàn, chỉ đỗ tốt nghiệp là có thể đủ điều kiện xét tuyển vào các trường CĐ.

Vì thế, nếu thí sinh thích một ngành học nào đó mà nhiều khả năng khó trúng tuyển vào hệ ĐH thì có thể đăng ký vào hệ CĐ của chính trường đó vì khoảng cách điểm chuẩn giữa hệ ĐH và CĐ là rất lớn. Tuyệt đối đừng vì điểm không cao mà đăng ký bừa vào ngành mình không thích nhưng có khả năng đỗ cao rồi sau đó lại chán nản, bỏ học giữa chừng.

Trả lời câu hỏi của các thí sinh liên quan đến chỉ tiêu và điểm chuẩn dự kiến năm 2016 của một số trường top trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội cho biết: Năm 2016, ĐH Y Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu ngành Bác sỹ đa khoa, trong đó đã có khoảng 60 thí sinh đăng ký tuyển thẳng nên số lượng chỉ tiêu thực tế chỉ còn khoảng hơn 400 chỉ tiêu. Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên ĐH Y Hà Nội tuyển sinh ngành Bác sỹ đa khoa cho phân hiệu tại Thanh Hóa với 100 chỉ tiêu.

Vì vậy, bên cạnh việc đăng ký vào ĐH Y tại Hà Nội, các thí sinh say mê ngành y có thể đăng ký xét tuyển tại phân hiệu Thanh Hóa. “Năm 2015, điểm chuẩn ngành Bác sỹ đa khoa là 27,75 điểm. Năm nay, điểm chuẩn dự kiến sẽ không cao hơn mà có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn năm ngoái một chút. Đối với các ngành đào tạo cử nhân, điểm chuẩn năm 2015 là khoảng từ 23 đến 24,25 điểm nên các thí sinh có quảng điểm từ 23-24 hoàn toàn có thể đăng ký vào các ngành này”-bà Yến đưa ra nhận định. C

ũng liên quan đến điểm chuẩn dự kiến năm 2016, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại Thương Hà Nội cho biết: Điểm sàn nhận hồ sơ của ĐH Ngoại thương năm 2016 là từ 20-27,5 điểm tùy theo từng ngành và trước ngày 14-8, nhà trường sẽ công bố điểm trúng tuyển. Còn theo dự đoán của bà Thủy, điểm chuẩn vào ĐH Ngoại Thương năm nay nhiều khả năng sẽ tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái một chút.

Huyền Thanh
.
.
.