Cử nhân thất nghiệp vẫn gia tăng ở mức báo động

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:30
Trong bản tin thị trường lao động mới nhất vừa được Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ- TBXH) công bố, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ cả về số lượng và tỷ lệ. Duy chỉ có tỷ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ đại học trở lên và nhóm thanh niên lại tăng mạnh hơn so với quý II- 2017. 

Cụ thể, số người thất nghiệp có trình độ đại học là 183.100 người, tăng 44.200 người,  tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) tăng lên thành 7,67%. Câu chuyện lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp ngày càng tăng thực sự đáng quan ngại.

Tín hiệu đáng mừng của thị trường lao động thời gian qua là tỷ lệ người có việc làm đang tăng dần. Theo con số được Viện Khoa học lao động và xã hội đưa ra, trong quý II- 2017, cả nước có 53,4 triệu người lao động có việc làm, tăng 39.700 người so với quý I. 

Rất nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm đổ xô đi làm xe ôm công nghệ hiện nay.

Trong quý II, tỉ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục có xu hướng gia tăng, đạt 42,7%. Số người làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 6.210.000 người, tăng 38.000 so với quý trước. Số người làm việc trong các cơ sở kinh doanh cá thể cũng tăng 824.000 người. “Điểm tối” duy nhất vẫn là lực lượng lao động có trình độ, cụ thể ở đây là trình độ đại học trở lên có số lượng người thất nghiệp vẫn tăng dần. 

Theo dự báo của các chuyên gia thì ngay trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân sẽ thất nghiệp. 

Trao đổi với PV, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội khẳng định, việc số lượng lớn lao động có bằng cấp thất nghiệp là vấn đề rất đáng lo ngại. 

“Cả xã hội đang đua nhau vào đại học, nhiều trường, đầu vào dễ, cộng tâm lý phải vào đại học… Tư duy cũ về bằng cấp khiến các gia đình đổ tiền cho con học, thậm chí bán nhà cho con học… để cung cấp cho thị trường lực lượng lao động không đúng nhu cầu, trong khi đó chúng ta đang cần những người học nghề, học thực sự có kỹ năng làm việc…”, ông Đào Quang Vinh chia sẻ.

Trước câu chuyện hiện nay có rất nhiều lao động học xong đại học nhưng không đi tìm việc làm mà chạy Grab, Uber, ông Đào Quang Vinh cho rằng, cần phải có sự hướng nghiệp, phân luồng để tránh gây lãng phí. 

Ông Vinh phân tích, việc anh chấp nhận làm grab, uber có thể đúng với năng lực của anh, kể cả khi anh đã tốt nghiệp đại học, vậy đáng lẽ anh không nên học đại học mà làm việc này ngay khi học xong lớp 12. Chúng ta cũng không phán xét cử nhân làm grab, uber là đúng hay sai, thậm chí ông Vinh còn cho rằng là đúng vì cái gì thị trường chấp nhận thì nó là đúng.

Theo TS Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Vụ trưởng phát triển nguồn nhân lực- Phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm của Bộ LĐ- TBXH chỉ ra rằng, ngày càng nhiều cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp ở Việt Nam, là do sự xuất hiện ồ ạt của quá nhiều trường đại học, tâm lý nặng nề về bằng cấp, sự kì vọng của gia đình đối với các bạn học sinh… 

Tuy vậy TS Nguyễn Lê Minh thằng thắn cho rằng, ông không tin những người tốt nghiệp đại học đều có trình độ đại học. Chuyện làm đúng ngành, đúng nghề cũng cần phải bàn, không phải anh cứ học ngành kinh tế lao động là anh làm đúng ngành đó. 

“Ở trình độ đại học, người ta tạo cho anh một tư duy, phông kiến thức ở trình độ đó, sau đó phải học thêm, học chuyên sâu hơn để làm công việc cụ thể. Nhiều trường đại học phương Tây họ phải đi vào chuyên môn rất sâu và rất hẹp để đào tạo thêm. Triết lý học suốt đời là anh có mặt bằng tri thức và quá trình làm việc anh phải học tiếp”, TS Nguyễn Lê Minh nói.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đưa ra con số, có đến 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, 27% không tìm được việc làm vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường lao động. 

Đáng nói hơn là có đến 18% sinh viên tốt nghiệp những ngành đào tạo mà nhà sử dụng không biết đến sự có mặt của những ngành đó. Những con số đủ để đánh giá sự khập khiễng trong công tác đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. 

Bà Hương cho rằng, tình trạng này đã kéo dài nhưng vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở giáo dục vẫn tuyển sinh những ngành nghề mà thị trường lao động đã dư thừa, khiến cho bức tranh thất nghiệp càng thêm trầm trọng...

PV
.
.
.