200.000 cử nhân thất nghiệp: Tại anh tại ả...

Thứ Hai, 26/12/2016, 09:53
Thời gian qua, việc cả nước có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp đã khiến dư luận xã hội cho rằng, đây chính là hệ quả tất yếu của việc đào tạo đại học (ĐH) “vung tay quá trán”, không gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động và hậu họa này ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm... Tuy nhiên, tại hội thảo “Tìm giải pháp củng cố và phát triển các trường đại học ngoài công lập” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia lại có những góc nhìn rất khác về vấn đề này.


Cơ cấu kinh tế - “thủ phạm” khiến cử nhân thất nghiệp?

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết: Lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm  là không đúng.

Cử nhân thất nghiệp, lỗi không chỉ của ngành Giáo dục.

“Đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung. Đúng là xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót, nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau. Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại” - GS Trần Phương cho hay.

Cũng theo phân tích của GS Trần Phương, chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ. Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại. Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường.

Nhìn rộng ra thế giới, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có. Ngay như ở Trung Quốc, năm 2011 có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ sung thêm 2 triệu người nữa... Hay tại Mỹ, số người lao động thất nghiệp trong những năm qua cũng đang là bài toán nan giải đối với quốc gia này...

TS Đinh Ngọc Hiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cũng cho rằng: Cử nhân thất nghiệp không chỉ là lỗi của ngành Giáo dục, mà có lỗi lớn của cơ cấu nền kinh tế. Theo ông Hiện phân tích, hiện tượng thừa người thiếu việc như hiện nay là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam không tạo ra được việc làm cho những người tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Các nhà đầu tư vào Việt Nam đều nhắm vào nhân công rẻ thì sẽ không thể có việc làm cho người tốt nghiệp ĐH, CĐ.

“Phát triển kinh tế không tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động, nhiều dự án trúng thầu trong nước nhưng nhà thầu ngoại quốc lại mang theo từ lao động có tay nghề cao đến lao động phổ thông vào làm việc khiến lao động trong nước bị “đánh bật” ra ngoài; cơ cấu kinh tế phát triển bất cân xứng, thiếu quy hoạch mang tính dài hơi... Đây cũng chính là những “thủ phạm” khiến người lao động, trong đó có cử nhân không kiếm được việc làm”, ông Hiện cho biết.

Thừa cử nhân sư phạm, thiếu kỹ sư công nghệ

Cũng theo GS Trần Phương, trước hiện tượng ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc làm, đã có ý kiến cho rằng giáo dục ĐH của nước ta đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại, đây cũng là một vấn đề đáng bàn.

“Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại” - GS Trần Phương đặt vấn đề.

Ông Phương cũng cho rằng, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 - 30 năm phát triển rất mạnh ĐH, CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó. Hãy nhìn vào tỷ lệ người có trình độ ĐH, CĐ trong dân số nước ta.

Nếu so với các nước nói trên thì còn quá thấp. Chuyển sang thời đại tri thức thì sự bất cập càng nổi rõ hơn nữa. Một người chinh phục kiến thức ĐH, CĐ không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30-40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí. “Nêu ra những điều trên đây, tôi muốn đi đến kết luận: Giáo dục ĐH của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật - công nghệ” - GS Trần Phương cho biết.

GS.TS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng cũng cho rằng: Nhiều cơ sở đào tạo hiện nay đang chạy theo nhu cầu tức thời của thí sinh nên có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là một vấn đề làm xã hội lo lắng. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng cử nhân thất nghiệp mà cho rằng giáo dục ĐH đang dư thừa là cảm tính.

Để giải quyết bài toán cử nhân thất nghiệp, GS Nghị đề nghị Nhà nước thành lập cơ quan chuyên môn chuyên nghiên cứu, khảo sát và dự báo nhu cầu thị trường lao động các ngành nghề. Hằng năm các cơ quan này công bố kết quả nghiên cứu và dự báo nhằm định hướng chọn ngành nghề cho xã hội.

Đồng thời, định kỳ tổ chức khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường trong phạm vi toàn quốc và công bố công khai chính thức trên các phương tiện truyền thông. Đây sẽ là một kênh quan trọng để người học chọn trường theo học và cũng là thước đo để đánh giá các trường. 

Huyền Thanh
.
.
.