Có nên bỏ xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp?

Thứ Sáu, 11/10/2019, 08:13
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”. Theo dự thảo, văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi xếp loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình như quy định hiện hành.

Mặc dù việc không ghi xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp được thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (ĐH) năm 2018 nhưng dư luận xã hội vẫn lo ngại về những bất cập có thể nảy sinh nếu quy định này được áp dụng ngay vào thực tế. 

Em Nguyễn Thành Nam, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH chưa thật sự phù hợp với tình hình đào tạo ĐH hiện tại vì phần đa sinh viên vẫn đang lấy kết quả thi các học phần môn học để làm động lực cố gắng học tập mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng cũng vẫn có thói quen nhìn vào kết quả xếp loại trên tấm bằng để lọc hồ sơ tuyển dụng ngay từ những vòng đầu.

“Với sinh viên ngành y dược, quá trình học tập không chỉ kéo dài mà còn rất vất vả, áp lực do vừa phải học ở trường, vừa phải thực hành tại các bệnh viện. Để có được kết quả học tập tốt, đó thực sự là cả một quá trình dài cố gắng, nỗ lực ghê gớm. Nếu những kết quả này không được thể hiện trên văn bằng thông qua việc xếp loại sẽ tạo nên sự cào bằng và có phần bất công với những người thực học. Điều này sẽ làm suy giảm động lực phấn đấu của người học” - Nguyễn Thành Nam chia sẻ. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều sinh viên hiện đang theo học tại các trường ĐH tốp đầu.

Tuy vậy, cũng có một số sinh viên tỏ ra hào hứng với quy định này. Sinh viên Hoàng Thu Trang, ĐH Hà Nội cho rằng: Điều này sẽ giảm áp lực thi cử, áp lực điểm số vốn khá nặng nề với người học như hiện nay. Sinh viên cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động khác ngoài nhà trường để tăng kỹ năng cần thiết khác, có thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe và thực tế hơn của nhà tuyển dụng.

Từ phía nhà tuyển dụng lao động, ông Lê Đăng Triều, Giám đốc Công ty Thương mại Trung Anh cho biết: Dù tốt nghiệp loại nào, sau khi tuyển dụng, công ty vẫn thường phải tổ chức đào tạo và bồi dưỡng các năng lực phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy vậy, ông Triều cũng thừa nhận, nếu nói doanh nghiệp không hoàn toàn quan tâm đến xếp loại trên bằng ĐH của các ứng viên là không đúng. Thực tế, kết quả trên bằng tốt nghiệp cũng là một thông số quan trọng để người tuyển dụng ít nhiều biết được sinh viên đó có năng lực gì, có cố gắng, nỗ lực khi ngồi trên ghế nhà trường hay không.

Hiệu trưởng một trường THPT dân lập chất lượng cao ở Hà Nội cũng chia sẻ: “Trong quy định tuyển dụng nhiều năm nay, nhà trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi các trường ĐH sư phạm uy tín, có thương hiệu. Thực tế cho thấy, dù kết quả học tập ĐH chỉ là một yếu tố cần nhưng với những người ta chưa biết gì về họ, đó cũng là thông số đầu vào cần thiết”.

Ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc Công ty Cầu Vồng lại nêu quan điểm: Từ nhiều năm nay, khối các doanh nghiệp tư nhân như công ty ông đã không đặt nặng vấn đề tốt nghiệp ĐH loại gì trong tuyển dụng. Các ứng viên dù có bằng giỏi nhưng kỹ năng xã hội thiếu, vốn tiếng Anh yếu, kỹ năng xử lý vấn đề và làm việc nhóm không đạt thì cũng khó vượt qua được các vòng thi đánh giá, phỏng vấn, thực hành chuyên môn.

Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm: Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc xếp loại trên văn bằng sẽ tạo động lực hơn cho người học. Do vậy, nếu trong trường hợp không ghi xếp loại lực học trên bằng ĐH thì cũng cần phải ghi ở trong bảng điểm. Lực học mặc dù không phải là tất cả nhưng thể hiện sự cố gắng của người học trong quá trình học. Đây cũng là một yếu tố để nhà tuyển dụng hiểu thêm về năng lực cũng như những cố gắng, nỗ lực của người học trong toàn bộ quá trình học tập tại trường.

Ảnh minh họa: Quy định bỏ xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Để thực thi việc bỏ xếp loại trên văn bằng, cần có các điều kiện đảm bảo đi kèm. Chẳng hạn như ở các nước áp dụng quy định này, họ xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông tiếp từ cơ sở đào tạo với nhà tuyển dụng nên tất cả thông tin về người học nhà tuyển dụng đều nắm bắt được. Việc học tập kinh nghiệm các nước và hội nhập quốc tế là cần thiết nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đơn vị soạn thảo dự thảo cho biết: Theo Điều 38 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 quy định, đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, trong “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng nhằm thực hiện quy định trong Luật Giáo dục ĐH đều đã có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục ĐH bao gồm thông tin về cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo (tại chức hay chính quy); kết quả học tập và điểm xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình)…

Các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng. Như vậy, thay vì ghi trên văn bằng, việc xếp loại sẽ được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong phụ lục văn bằng.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng: Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong Dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với giáo dục ĐH của các nước.

Tuy vậy, ông Trinh cũng thừa nhận Dự thảo Thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam trong giai đoạn mới.

Huyền Thanh

.
.