Không ghi xếp loại trên văn bằng: Lo ngại “vàng thau lẫn lộn”?

Chủ Nhật, 06/10/2019, 18:12
Theo dự thảo thông tư mới quy định về văn bằng tốt nghiệp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố để lấy ý kiến dư luận, trên văn bằng đại học sẽ không ghi loại hình đào tạo, xếp loại. Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn sẽ dễ xảy ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khi chất lượng đào tạo giữa hai hệ học chính quy và tại chức tại Việt Nam hiện nay vẫn còn “độ vênh” khá lớn.


Hình thức đào tạo, xếp loại sẽ được ghi trong phụ lục văn bằng

Theo dự thảo lần 1 thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến dư luận, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học sẽ bao gồm 10 chi tiết chính là tiêu đề, tên văn bằng, tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng, họ tên người được cấp văn bằng, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ngành đào tạo, ngày tháng cấp văn bằng, họ tên và chức danh của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định, số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Theo Luật Giáo dục đại học, từ 1-7, bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị tương đương.

Như vậy, theo dự thảo, trên văn bằng sẽ không ghi rõ hình thức đào tạo (tại chức hay chính quy) và không ghi xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình) như quy định hiện hành tại Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT).

PGS.TS Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đơn vị soạn thảo dự thảo cho biết: Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.

Cũng theo lãnh đạo Cục quản lý chất lượng, trong “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng đều đã có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm thông tin về cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo (tại chức hay chính quy); kết quả học tập và điểm xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình)…

Các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủvề quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo…của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng: Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước.

Sẽ giảm động lực phấn đấu của người học và dễ nảy sinh tiêu cực?

Tại Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019 đã quy định “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không còn có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Văn bằng hệ đào tạo đại học chính quy so với các hệ đào tạo vừa học vừa làm hay còn gọi là tại chức, từ xa... có giá trị tương đương nhau. Đây là điều chỉnh khá mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các loại hình đào tạo, đồng thời tạo sự bình đẳng cho người học dù theo học ở bất cứ loại hình nào.

Tuy vậy, dư luận cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, nếu "đánh đồng" hai hình thức đào tạo chính quy và không chính quy sẽ bất công với những trường hợp đào tạo chính quy. Bởi lẽ, từ trước đến nay, chất lượng dạy-học của hai hình thức đào tạo này vẫn luôn được xã hội nhìn nhận khác nhau.

Thực tế cho thấy, sở dĩ bằng đại học tại chức hiện nay không được xã hội coi trọng do chất lượng đào tạo ở nhiều trường chưa cao. Đặc biệt, việc không ghi xếp loại trên văn bằng như trong dự thảo Thông tư mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rất dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học, điều này có thể vô tình làm giảm động lực phấn đấu của người học. 

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng đào tạo các hình thức phi chính quy không bao giờ có thể tương đương với chính quy được, vì đầu vào, thời gian học tập, điều kiện học tập là không thể so sánh. Do vậy, việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học là không ổn.

“Luật là hướng đến sự tiến bộ và lâu dài nhưng thông tư hướng dẫn là chi tiết hướng đến thực tại, không nên máy móc, và đặc biệt không gây khó cho người tuyển dụng nhân lực do vàng thau lẫn lộn”-ông Lập nêu quan điểm.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia không ghi xếp loại học lực trên văn bằng. Để làm được điều này, họ có hệ thống quản trị thông minh, liên thông trực tiếp từ cơ sở đào tạo với nhà tuyển dụng nên tất cả thông tin về người học nhà tuyển dụng đều nắm bắt được.

Nói cách khác, để thực thi một chính sách tiến bộ, sẽ cần phải có các điều kiện đảm bảo đi kèm. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam hiện nay khi mà chất lượng đào tạo giữa hai hệ học chính quy và tại chức vẫn còn độ “vênh” khá lớn, việc áp dụng quy định trên sẽ dễ gây ra tiêu cực.

Do vậy, trên văn bằng tốt nghiệp đại học hiện nay vẫn phải ghi hình thức đào tạo và loại tốt nghiệp.Việc này sẽ giúp cho các nhà tuyển dụng nhân sự thuận lợi trong việc sơ tuyển hồ sơ đầu vào, mặt khác cũng động viên sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường. 

Huyền Thanh
.
.
.