Chương trình sách giáo khoa lớp 1 có thực sự giảm tải?

Thứ Bảy, 03/10/2020, 07:11
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1. Sau gần 1 tháng tổ chức dạy và học theo chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, bên cạnh những ưu điểm của các bộ sách, còn có những băn khoăn của phụ huynh, giáo viên trước nhiều thay đổi.


Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam, nhìn chung cách trình bày của bộ sách này hấp dẫn, đẹp mắt hơn so với SGK hiện hành.

Tuy nhiên, SGK Tiếng Việt lớp 1 có phần hơi nặng. Lý do là ngay từ tuần thứ nhất, các bé đã học về thanh điệu, ghép vần. Các kiến thức khó như chữ in hoa, chữ nhỏ, kỹ năng đọc và đọc hiểu cũng được giới thiệu rất sớm, ngay trong nửa đầu học kỳ I. Đối với sách Toán, dù cách thức bày hiện đại, nhiều phần kiến thức đã được giảm tải phù hợp với học sinh nhưng vẫn còn nhiều bài toán “mẹo” tương đối khó so với học sinh lớp 1.

Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh các bộ sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng băn khoăn khi thấy số lượng SGK các con phải sử dụng nhiều hơn so với mọi năm. Nếu như bộ SGK cũ chỉ có 6 quyển thì năm nay có từ 9 đến 10 quyển, chưa kể còn có thêm sách bổ trợ cho các môn học.

Cô Dương Ngọc Lan, giáo viên từng nhiều năm dạy lớp 1 tại trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết, trường cô chọn bộ sách “Cánh Diều”. Cảm nhận sau gần 1 tháng dạy học là học sinh hứng thú hơn với các bài học mới do hình thức, cấu trúc và nội dung của sách được thiết kế phù hợp với độ tuổi hơn so với SGK hiện hành. Đối với SGK Tiếng Việt có mô hình đánh vần giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học.

Về độ giảm tải, SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng  ít hơn số trang SGK Tiếng Việt 1 hiện hành. Tuy nhiên, lượng kiến thức không giảm hơn do chương trình yêu cầu học sinh lớp 1 phải biết đọc, biết viết. 

Đối với SGK môn Toán, cô Lan cho rằng, giảm tải được gần 40% kiến thức so với SGK hiện hành. Trong đó, số lượng các bài tập yêu cầu học sinh phải làm giảm hẳn, các con được ghép hình, hoạt động nhiều hơn với các kiến thức gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn như bài học đầu tiên trong SGK Toán 1 là giúp các con phân biệt được vị trí “phải, trái, trước, sau”…

Tuy vậy, cô Lan cũng thừa nhận, mọi năm, cô trò có trọn vẹn tháng 8 để “vỡ hoang” trước khi bước vào chương trình chính thức. Quãng thời gian này các cô thường rèn nếp, rèn từ thói quen cho đến cách ngồi, cách cầm bút cho các con.

Tuy nhiên, năm nay, dù thay SGK mới nhưng khai giảng xong các con mới học, mất hẳn 1 tháng “vỡ hoang” nên cả cô và trò đều vất vả hơn. 

Cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng cho rằng: Do năm nay học sinh được học các bộ SGK khác nhau nên độ khó cũng không đồng đều giữa các bộ sách. Trong đó, SGK Tiếng Việt Cánh Diều có phần nhẹ nhàng hơn các bộ SGK còn lại…

Nhận định chung về 5 bộ SGK lớp 1 mới, một số giáo viên cho rằng, cả 5 bộ SGK đều có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học dễ tạo hứng thú cho học sinh. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn, đạt được mục tiêu của chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm trên, các bộ sách cũng bộc lộ một số hạn chế.

Theo nhiều giáo viên, khuyết điểm chung một số bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1, nhất là sách Tiếng Việt. Bài tập đọc trong một số SGK Tiếng Việt có nội dung khá dài; phần viết cũng có ngữ liệu là những đoạn văn, chính tả khá dài, trong khi học sinh lớp 1 đang học âm, vần và đọc tiếng, từ, câu ngắn nên chưa thật sự phù hợp. Sách tiếng Việt 1 của bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" sang học kỳ II cho học sinh học viết hoa, trong khi ở độ tuổi này thì viết chữ thường còn nhiều khó khăn…

Năm học đầu tiên thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đối với học sinh lớp 1. Ảnh minh họa

TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá cao về những cải tiến trong các bộ SGK lớp 1 mới như khổ sách phù hợp hơn, chất lượng giấy tốt, giảm lượng chữ, hình ảnh thể hiện phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và tâm lý học sinh lớp 1. Tuy vậy, cô Hương cũng thừa nhận, một số SGK Tiếng Việt có “tiết tấu” chưa đều so với khả năng tiếp nhận của học sinh, phần đầu hơi nhanh, phần sau lại hơi chậm.

Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên cần phải chủ động điều tiết cho phù hợp, không nên quá máy móc vì mục tiêu cuối cùng là các con biết đọc, biết viết. Cô Hương cũng khuyến nghị các nhà trường và giáo viên cần sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt giữa các môn học, tăng cường tư vấn hợp lý cho phụ huynh để duy trì hào hứng học tập lâu dài đối với học sinh trong quá trình dạy và học. Phụ huynh cũng đừng quá lo lắng mà hãy dành nhiều thời gian hơn để đồng hành cùng con.

Trước những chia sẻ của phụ huynh về việc chương trình SGK lớp 1 có phần hơi nặng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhận địnhnàychưa đủ căn cứ xác đáng. Theo ông Tài, Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất cứ một ý kiến phản ánh chính thức nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các chuyên gia, nhà giáo dục tới Bộ về điều này.

“Hiện nay đang triển khai chương trình có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho một năm học. Trong chương trình của khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó.

Đơn cử như đối với môn Tiếng Việt, để đạt được chuẩn đó thì chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết và tất cả 5 bộ SGK đều phải dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng đó, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đi đến đích đó. Dù lượng kiến thức đã được tinh giản hơn so với chương trình hiện hành, song thời lượng được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết khiến tần suất học số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh tăng so với trước đây nên phụ huynh dễ tưởng rằng là chương trình nặng”, ông Tài lý giải.

Huyền Thanh
.
.
.