Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không thể là chức danh “ảo”
- Năm 2017, Giáo sư trẻ nhất là 35 tuổi, Phó giáo sư trẻ nhất là 32 tuổi
- Phải có công bố quốc tế mới được phong giáo sư
- Đừng để “bội thực” tiến sĩ
Như Báo CAND đã thông tin, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) vừa công nhận hơn 1.200 người đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS) năm 2017. So với năm 2016, số lượng GS và PGS năm nay tăng gần 60%.
Việc số lượng GS, PGS tăng đột biến trong khi các công trình nghiên cứu khoa học trong nước và công bố quốc tế trong năm vừa qua chưa có nhiều đột phá đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi như chất lượng đội ngũ GS, PGS liệu có đồng đều và tất cả những người được vinh danh đã thực sự xứng đáng hay chưa? Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ GD&ĐT và Hội đồng CDGSNN rà soát kỹ lưỡng việc bổ nhiệm GS, PGS nhằm đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.
Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.
GS.TS Phạm Tất Dong. |
PV: Nhìn vào con số hơn 1.200 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm nay, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi thấy con số hơn 1.200 GS và PGS là quá nhiều. Việc số lượng quá nhiều cũng sẽ khiến cho nhiều người cảm giác chất lượng đang bị loãng ra. Điều này không chỉ mang những dấu hiệu của bệnh thành tích mà dư luận thường gọi là “lạm phát”, “bội thực” GS, PGS mà còn gây khó khăn cho các cơ sở khi bố trí các vị trí công tác cho các tân GS, PGS trong việc giải quyết các vấn đề khoa học, vốn là sứ mệnh chính của các chức danh này.
PV: Trong số các GS và PGS được công nhận năm 2017 có một bộ phận không nhỏ làm cán bộ quản lý. Phần lớn những người này không nằm trong biên chế trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học và các viện nghiên cứu; họ cũng không phải là những người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Vậy theo ông, việc phong tặng danh hiệu GS, PGS cho các đối tượng này liệu có phù hợp?
GS.TS Phạm Tất Dong: Thực chất, chức danh GS, PGS là những người có học hàm cao làm việc ở trong các trường ĐH, viện nghiên cứu với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, đưa ra những sáng chế, phát minh; đồng thời là chủ nhiệm các dự án mang tầm cỡ quốc gia. Do vậy, cá nhân tôi cho rằng, những người không giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH thì không nên đăng ký làm hồ sơ xét duyệt phong tặng chức danh GS, PGS làm gì. Chức danh GS, PGS là chức danh cao quý dành cho những người thực sự vì nghiên cứu khoa học, học thuật và sự nghiệp giáo dục đào tạo, chứ không phải là chức danh “ảo” dành cho những người ham danh hiệu, háo danh. Với một số nước trên thế giới mà tôi biết, phần lớn GS đều gắn với trường ĐH, không có chuyện GS là doanh nhân, là nhà chính trị gia hay thậm chí là Tổng thống.
PV: Nếu thử làm một phép so sánh giữa GS, PGS giai đoạn này với thời của các ông cách đây gần 30 năm, cá nhân ông có cảm thấy sự khác biệt?
GS.TS Phạm Tất Dong: Trong số các tân GS, PGS được Nhà nước phong tặng năm nay, có những gương mặt quen thuộc, là học trò của thế hệ chúng tôi. Tuy nhiên, công bằng mà nói, lứa năm nay có những người kém xa so với các lứa học trò trước đó. Vấn đề cần đặt ra ở đây có lẽ là việc chúng ta phải xem lại tiêu chuẩn, tiêu chí phong GS, PGS đã phù hợp chưa, hay vẫn còn quá thấp, quá lạc hậu so với khu vực và quốc tế. Tiếp đến là cách thức thực hiện việc công nhận, phong tặng đã thực sự chính xác, khách quan và công tâm hay là vẫn còn có chuyện “nương tay” ở các hội đồng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù số lượng GS, PGS của chúng ta hiện nay đã và đang tăng đều theo từng năm theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, các công trình nghiên cứu khoa học, các công bố quốc tế của chúng ta lại đang tụt xa so với các nước trong khu vực. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
GS.TS Phạm Tất Dong: Đúng là số lượng GS, PGS của chúng ta hiện nay quá nhiều so với mức cần thiết, dẫn đến tình trạng “lạm phát” GS, PGS. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do chúng ta phong GS, PGS còn tràn lan, nhiều trường hợp không đúng đối tượng. Điều này khiến cho mặt bằng chất lượng nói chung không đồng đều; bệnh thành tích, hám danh ít nhiều có cơ hội lên ngôi. Hệ quả là xã hội hoàn toàn chưa thể yên tâm khi chất lượng đang bị “vàng thau” lẫn lộn.
Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại, tổng kết lại xem đóng góp của đội ngũ GS, PGS hiện nay đối với đất nước thế nào. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu xem xét lại việc phong GS, PGS như thế nào cho đúng, cho phù hợp đối tượng, phù hợp với cơ cấu ngành nghề, với các vị trí công tác; tiêu chí phong tặng GS, PGS cũng cần phải nghiên cứu xây dựng như thế nào để không bị quá tụt hậu so với khu vực và thế giới.
PV: Hiện có luồng dư luận cho rằng, để việc phong tặng danh hiệu GS, PGS thực sự hiệu quả thì nên trả công việc này về cho các trường đại học. Quan điểm của ông về vấn đề này?
GS.TS Phạm Tất Dong: Có thể đây là xu hướng trong tương lai, còn hiện nay chúng ta chưa thể làm được điều này. Lý do là các trường ĐH của chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để làm việc này nên nếu giao cho các trường phong GS, PGS thì sẽ càng dễ loạn.
Theo tôi, việc duy trì Hội đồng CDGSNN như hiện nay sẽ đảm bảo khách quan hơn. Tất nhiên, để việc phong tặng được thực chất thì các Hội đồng ngành, Hội đồng cơ sở cũng cần phải làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm vì đây là đơn vị có vai trò quan trọng và tư vấn cho Hội đồng CDGSNN.
PV: Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng GS, PGS của chúng ta hiện nay chưa cao là do tiêu chuẩn để phong GS, PGS hiện đang quá thấp so với khu vực và thế giới. Vậy theo ông, để nâng cao chất lượng GS, PGS trong thời gian tới, cần chú trọng vào các yếu tố nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Ngoài các tiêu chí hiện hành, theo tôi, việc xét tặng GS, PGS nên tính đến cả việc người đó hướng dẫn thành công cho bao nhiêu nghiên cứu sinh về mặt học thuật và những công trình khoa học có đóng góp gì cho sự phát triển đất nước; vai trò của GS, PGS còn có tác dụng lớn như thế nào trong việc hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đóng góp cho sự phát triển về học thuật và tài chính cho trường ĐH, viện nghiên cứu mà họ đang công tác.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang hội nhập với thế giới nên những tiêu chí như có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế; tự tin trao đổi, nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ một cách thành thạo cũng là những phẩm chất mà GS, PGS cần hướng tới. Còn những ngành, lĩnh vực nào khó có công bố quốc tế thì cũng cần có tiêu chí riêng, cụ thể để đảm bảo sự khoa học, khách quan và công bằng.
PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện thú vị này!