Chủ động đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
- Trước giờ G, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra một số điểm thi
- Nữ sinh ngồi xe lăn vẫn không bỏ thi THPT quốc gia
Với mục tiêu đặt ra là chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, nhằm đảm bảo một kỳ thi an toàn, khách quan, kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi đã được Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trực tiếp ký và giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương. Đây là điểm nhấn nổi bật trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp năm 2019 của lực lượng Công an.
Chủ động từ khâu xây dựng kế hoạch
Ngay từ cuối tháng 5-2019, với vai trò là đơn vị tham mưu, Cục An ninh Chính trị nội bộ đã chủ động xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Công an ký kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao học, trung cấp năm 2019. Kế hoạch trước khi ban hành đã được lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan nhằm chủ động xóa bỏ các lỗ hổng và thiếu sót của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Cục An ninh Chính trị nội bộ đã phối hợp với ngành Giáo dục – đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, thành phần tham dự là lãnh đạo ngành Giáo dục và Phòng An ninh chính trị nội bộ của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại hội nghị này, các mặt công tác của lực lượng Công an như việc đảm bảo an toàn từ khâu giao đề, vận chuyển, bàn giao, in, sao, coi và chấm thi... đặc biệt được chú trọng. Về phía ngành Giáo dục – đào tạo cũng đã có một số nét đổi mới như giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cùng đồng hành với lực lượng Công an và ngành giáo dục trong công tác đảm bảo ANTT.
Đến thời điểm này, 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác bảo vệ kỳ thi đã nắm vững quy chế của kỳ thi. Tại các địa phương, Cục An ninh Chính trị nội bộ đã trao đổi với Công an các tỉnh về việc xây dựng phương án bảo vệ, đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo ANTT cho các giám thị. Trong đó, công tác chuẩn bị cho một kỳ thi an toàn đã được lực lượng Công an các địa phương phối hợp với ngành giáo dục chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, từ đó, đã tạo ra những chuyển biến tích cực ở các địa phương.
Cục An ninh Chính trị nội bộ đã phân công cán bộ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn Công an các địa phương, chủ động triển khai các biện pháp công tác nắm chắc tình hình; phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các đối tượng nhằm phá hoại kỳ thi và những tình hình có tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến kỳ thi. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với ngành Giáo dục – đào tạo, chính quyền các cấp và các bộ, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động diễn ra kỳ thi. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai các công tác nghiệp vụ để nắm tình hình kịp thời, phát hiện, tham mưu phối hợp đấu tranh xử lý các hành vi tiêu cực trong thi cử như thi thuê, thi hộ, lộ đề thi, can thiệp sửa chữa bài thi, phao tin thất thiệt gây hoang mang dư luận...
“Những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng an ninh, an toàn kỳ thi nếu xuất hiện trên mạng Internet sẽ lập tức được xác minh, làm rõ để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của các học sinh cũng như các bậc phụ huynh và gây hoang mang dư luận. Cùng với đó, lực lượng Công an đã bố trí lực lượng bảo vệ, giám sát chặt chẽ quá trình biên soạn, in sao, vấn đề chấm thi, đề thi, bài thi, coi thi và cả khâu chấm thi...”, đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ nhấn mạnh.
Công an TP Cần Thơ bảo đảm an toàn việc vận chuyển đề thi đến các điểm thi trên địa bàn thành phố. |
Phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ mua bán thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử
Thời gian qua, Cục An ninh Chính trị nội bộ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ có điện chỉ đạo Công an các địa phương tập trung đấu tranh, bóc gỡ các ổ nhóm buôn bán thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc gian lận thi cử... Từ đó, Công an các địa phương đã kịp thời phát hiện nhiều ổ nhóm buôn bán thiết bị gian lận.
Điển hình như Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hải Phòng đã phát hiện trên mạng "Shoptainghesieunho" thường xuyên đăng tin rao bán và cho thuê thiết bị siêu nhỏ với mục đích gian lận thi cử. Ngày 12-6, đơn vị đã phối hợp với Công an phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tiến hành kiểm tra hành chính và đã phát hiện 1 đối tượng đang thực hiện hành vi bán và cho thuê thiết bị tai nghe siêu nhỏ. Đồng thời thu giữ 9 bộ thu phát sóng dạng dây, 8 bộ thu phát thông tin dạng thẻ, 2 máy đọc thông tin, 17 viên pin siêu nhỏ gắn trong bộ thu phát dạng thẻ, 17 bộ pin lắp trong bộ thu phát dạng dây. 7 loại giấy tờ gồm CMND, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được giấy chứng nhận kinh doanh hộ cá thể, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc các thiết bị trên. Được biết, đối tượng mua các thiết bị gian lận thi cử với giá từ 150.000-300.000 đồng/bộ và bán lại cho học sinh với giá 700.000-1.800.000 đồng. Giá cho thuê từ 100.000 – 150.000 đồng/bộ/ngày và yêu cầu khách hàng để lại giấy tờ có giá trị làm chứng.
Ngày 24-6, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cho biết vừa bắt giữ 2 đối tượng chuyên cung cấp các thiết bị siêu nhỏ phục vụ gian lận thi cử là Đặng Công Bão và Nguyễn Thế Mạnh (cùng SN 1996, quê huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cầm đầu. Từ cuối năm 2018, Bão và Mạnh nhập sản phẩm từ Trung Quốc như: Tai nghe siêu nhỏ, bộ thiết bị rung phục vụ thi trắc nghiệm, bộ camera giấu kín phục vụ thi tự luận... để bán cho người có nhu cầu. Các thiết bị này được nhập với giá từ 400.000-1,6 triệu đồng và bán chênh gấp 2-3 lần so với giá nhập. Khám nơi ở của 2 đối tượng tại đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, lực lượng Công an phát hiện hàng trăm thiết bị camera giấu kín và tai nghe siêu nhỏ phục vụ cho việc gian lận thi cử.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đang phối hợp với ngành Giáo dục – đào tạo và chính quyền các địa phương nỗ lực để đảm bảo cho một kỳ thi tuyệt đối an toàn.
Thí sinh Hà Nội làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia trong chiều 24-6. |
Đổi mới trong khâu coi thi
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức về cơ bản giữ nguyên phương thức thi như hai năm trước và có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra. Kỳ thi năm nay có một số thay đổi đáng chú ý như trường ĐH-CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH-CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, Giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.
Thông tin thêm về những điểm mới trong công tác coi thi, một khâu quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Bùi Quang Thái - Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Trong kỳ thi năm nay, những thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh THPT được xếp chung vào một phòng thi. Đáng chú ý, sẽ có hai cách phát đề thi, cán bộ coi thi bốc thăm trúng vào cách phát đề nào thì sẽ thực hiện phát đề thi theo cách đó. Cùng với đó, cách niêm phong các túi đựng đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng có điểm mới so với kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề thi được phát theo sơ đồ in sẵn và bài thi chỉ được bảo quản bằng tem niêm phong thì trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nơi để đề thi, bài thi của thí sinh sẽ được lắp đặt hệ thống camera an ninh ghi hình 24/24h. Tất cả các túi đựng bài thi đều có 24 mã đề. Với phòng thi dù chỉ có 1 thí sinh thì túi đựng đề thi cũng có 24 đề. Vì thế, cán bộ nhận đề thi phải kiểm đếm đủ 24 đề thi trong một túi trước khi phát đề cho thí sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Chú trọng phát hiện việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận” Ngày 24-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã về kiểm tra và làm việc tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Cùng đi có ông Ngô Văn Quý-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng-Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2019, Hà Nội có 75.000 thí sinh đăng ký dự thi, thành phố đã điều động 7.755 cán bộ giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý 5 vấn đề. Về khâu bảo quản đề thi, bài thi, theo Bộ trưởng, đây là nội dung quan trọng. Cán bộ được phân công liên quan đến công tác in sao đề thi, bảo vệ đề thi, bài thi cần nêu cao trách nhiệm. Tiếp đến là công tác coi thi, đây là khâu dễ xảy ra sai phạm nên các cán bộ coi thi cần nắm rất vững quy chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm việc theo đúng quy trình, cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, như chữ ký giám thị… Đặc biệt, cần quan tâm đến việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận. Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng lưu ý cần hoàn thiện tất cả các quy trình, các bước thực hiện, bởi chỉ cần sơ hở một công đoạn nhỏ trong một quy trình cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Bộ trưởng cũng đề nghị, công tác thanh kiểm tra không chỉ giới hạn ở những người làm công tác này mà các cấp, người dân, cử tri hãy cùng tăng cường giám sát để có một kỳ thi thực sự nghiêm túc, trung thực. * Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, để ngăn chặn việc gian lận trong thi cử bằng sử dụng thiết bị công nghệ cao cần đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, cần phải tập huấn cho cán bộ coi thi, những người bảo vệ phòng thi phương thức, thủ đoạn gian lận trong thi cử để cán bộ coi thi cảnh giác, phát hiện ra các biểu hiện bất bình thường của các thí sinh cũng như trên các vật dụng, tư trang của thí sinh mang vào phòng thi. Từ đó, phát hiện ra các hành vi gian lận. Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo vệ trong quá trình ra đề thi; tăng cường đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm cung cấp các thiết bị, ghi âm ghi hình ngụy trang, đặc biệt là trong mùa thi. Đồng thời, qua các công tác đấu tranh này để phát hiện các đường dây, đối tượng thi hộ, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. |