Chống nạn “đạo văn” bằng giải pháp công nghệ (Bài cuối)
Đạo văn không phải là câu chuyện mới song trong thời đại Internet ngày càng phát triển thì vấn nạn này ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi bởi tính thuận tiện và chi phí rẻ. Trong bối cảnh vấn nạn đạo văn không thể được đẩy lùi bằng các biện pháp thông thường như tăng cường giáo dục về tư cách và đạo đức hay các chế tài khác, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo đã phải tìm đến các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn. Và một trong những giải pháp công nghệ đang được nhiều trường lựa chọn là ứng dụng phần mềm phát hiện trùng lặp, hay còn gọi là phần mềm chống... đạo văn.
Theo kết quả khảo sát của Trường ĐH Hoa Sen về hành vi “đạo văn” của sinh viên trong trường cho thấy, trong số 681 bài luận văn của SV các ngành nhân lực, du lịch, tài chính, kế toán, kinh doanh và marketing, mức độ tương đồng là khá cao với 29%. Trong đó, các bài luận văn dài có tỷ lệ đạo văn nhiều hơn so với các bài luận văn ngắn.
Tương tự, kết quả khảo sát của Trường ĐH Duy Tân cũng cho thấy, có tới 49% SV cho biết đã thực hiện sao chép nguyên văn bài của các tác giả trên mạng mà không trích dẫn vì không biết cách trích dẫn, không nhớ tác giả là ai và cuối cùng là do áp lực tiến độ.
Thừa nhận tình trạng “đạo văn” đã và đang trở nên khá phổ biến trong SV hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho rằng: Tình trạng SV khóa sau sao chép luận văn, đồ án của SV khóa trước hay tại các nguồn tài liệu khác đang ở mức báo động. Đáng lo ngại là việc sao chép này đang được nhiều SV xem là điều bình thường. Thực tiễn cho thấy, có nhiều SV khi ra hội đồng bảo vệ, phát hiện sao chép đã bị xử lý bằng cách yêu cầu làm lại, nếu không sẽ không được tốt nghiệp. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp “trót lọt” do một thầy có thể hướng dẫn cùng một lúc nhiều SV nên nhiều khi không thể phát hiện ra.
Cần ngăn chặn “chợ” luận văn để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Còn theo Ths Nguyễn Hồng Vinh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Vinh, việc phát hiện SV đạo văn trong quá trình bảo vệ không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, do việc xử lý của giáo viên, của các trường hầu hết còn nương tay hoặc chưa triệt để nên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc phát hiện đạo văn đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là tương đối phức tạp. Điều này đòi hỏi người hướng dẫn phải chuyên tâm, có trình độ chuyên môn sâu và quan trọng hơn là phải chịu khó đối chiếu với các nguồn tài liệu hiện đang đầy rẫy trên Internet.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều SV có ý tưởng đạo văn thường tìm “lách” bằng cách nếu thầy A hướng dẫn sẽ copy luận văn của SV khóa trước do thầy B hướng dẫn và ngược lại. Do đó, để hạn chế tình trạng này, nhiều giáo viên hướng dẫn đã phải thực hiện kiểm tra chéo ngay từ khi giao đề tài. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ mới ngăn chặn được các đề tài trùng lặp chứ nếu SV biết cách “xào nấu” bằng cách sao chép các đoạn ngắn, các câu nhỏ thì giáo viên hướng dẫn cũng khó có thể phát hiện ra.
Trước tình trạng đạo văn đang ngày càng trở nên nhức nhối, một số trường ĐH, học viện đã sử dụng phần mềm kiểm tra sự tương đồng hay còn gọi là phần mềm phát hiện sự trùng lặp. Đi đầu cho xu hướng này có thể kể đến phần mềm rà soát trùng lặp của Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân.
Theo đó, các bài báo, công trình nghiên cứu, luận văn sẽ được đưa vào phần mềm này. Với kho dữ liệu trong hệ thống, phần mềm sẽ đọc và so sánh sự tương đồng của bài viết với các bài viết đã công bố chính thức trước đó trong nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra kết quả tương đồng. Phần mềm cũng chỉ rõ phần tương đồng, trùng lặp này được trích trong tài liệu nào. Tùy vào đặc thù của mình, mỗi trường sẽ quy định tỷ lệ trùng lặp khoảng bao nhiêu phần trăm sẽ bị xem là đạo văn.
Sau một thời gian Học viện ANND áp dụng phần mềm cho kết quả tốt, chất lượng của các công trình luận văn, luận án, các bài báo nghiên cứu khoa học được nâng cao, đầu năm 2015, Học viện CSND cũng đã áp dụng phần mềm này.
Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Ngọc Hà - Phó giám đốc Học viện CSND cho biết: Phần mềm rà soát trùng lặp hiện đang được ứng dụng tại Học viện có tên là Plagiarism Detector, được chuyển giao từ Học viện ANND, tuy nhiên, đã được chỉnh sửa tương thích với yêu cầu thực tiễn tại Học viện CSND. Đây là phần mềm được hoạt động dựa trên công nghệ Java và Web, do vậy, có thể đảm bảo yếu tố bảo mật tốt, khó tiến hành can thiệp hay chỉnh sửa; kết quả sau khi rà soát sẽ được hiển thị trên nền Web, giúp người sử dụng dễ quan sát.
Phần mềm dựa trên giải thuật tìm kiếm, cung cấp 4 chức năng chính: Chuyển đổi dữ liệu sang file text, rà soát nội dung, chọn file và thoát chương trình. Đây là phần mềm có khả năng phát hiện các lỗi trùng lặp 20 từ liên tiếp và cho kết quả chỉ sau chưa đầy 3 phút. Hiện tại, Khoa Đào tạo sau đại học - Học viện CSND đã làm chủ hoàn toàn công nghệ của phần mềm này, đã thu thập và xây dựng kho luận văn, luận án với gần 1.000 đề tài đã được số hóa trong số 2.500 đề tài trong vòng 5 năm trở lại đây, đảm bảo đủ khả năng rà soát luận văn, luận án và giảm thiểu tình trạng “đạo văn”.
Dự kiến, sau khi ứng dụng phần mềm hiệu quả vào công tác rà soát sự trùng lặp luận văn, luận án tại Khoa Đào tạo sau đại học, phần mềm sẽ tiếp tục được ứng dụng rộng rãi tại một số khoa, phòng khác của Học viện CSND.
Việc áp dụng phần mềm rà soát trùng lặp để hạn chế tình trạng “đạo văn” tại Học viện ANND và Học viện CSND cũng như một số trường ĐH phía Nam như Hoa Sen, Duy Tân, Giao thông vận tải hay ĐH Ngoại thương Hà Nội... có thể xem là một giải pháp kỹ thuật mang tính đột phá, cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường bổ sung nguồn dữ liệu của trường mình, các trường sử dụng phần mềm chống đạo văn cũng cần liên thông với nhau để tăng cường nguồn dữ liệu luận văn, đồ án, sách tham khảo... bởi nếu cơ sở dữ liệu ít, không rộng rãi, chỉ áp dụng dữ liệu của một trường thì vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Nhất là khi SV sao chép nguồn dữ liệu từ trường khác thì phần mềm trong trường không thể phát hiện được.